Thực hiện đề án 818 ở Long Đống: Gắn kết trách nhiệm cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản
– Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án 818 về “Xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), sức khỏe sinh sản (SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 – 2020”, người dân trên địa bàn xã Long Đống, huyện Bắc Sơn đã chủ động lựa chọn và chi trả tiền mua các sản phẩm, dịch vụ KHHGĐ, SKSS theo nhu cầu. Qua đó, góp phần gắn kết trách nhiệm cộng đồng trong chăm sóc SKSS, thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ.
Chị Hoàng Thị Tuyết Nhung, cán bộ chuyên trách dân số – KHHGĐ Xã Long Đống cho biết: Xã Long Đống hiện có 1.082 hộ với 4.559 nhân khẩu. Năm 2017, xã bắt đầu triển khai thực hiện Đề án 818 và tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn. Đến nay, xã có 6/10 thôn đang thực hiện xã hội hóa theo Đề án 818 (4 thôn còn lại là thôn vùng III được hỗ trợ miễn phí). Để đẩy mạnh hoạt động tiếp thị xã hội các PTTT góp phần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi sử dụng PTTT từ cấp miễn phí sang tự chi trả, chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức của xã, thôn tuyên truyền lồng ghép qua các hội nghị sơ kết, các buổi họp thôn, họp phụ nữ, các buổi tiêm chủng cho trẻ và khám chữa bệnh định kỳ… Qua đó, đã nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, góp phần thực hiện thành công chính sách dân số – KHHGĐ.
Cán bộ chuyên trách dân số tư vấn cho người dân về các sản phẩm chăm sóc SKSS
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm cán bộ chuyên trách dân số xã, cộng tác viên dân số thôn, bản đã tuyên truyền lồng ghép cho hơn 2.000 lượt người nghe; tuyên truyền trực tiếp tại hộ dân được 50 cuộc cho 300 người; tư vấn trực tiếp về các PTTT cho trên 500 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng biện pháp tránh thai, tổ chức hội nghị về Đề án 818 cho trên 60 người; đăng tải các bài viết tuyên truyền qua mạng xã hội Zalo, Facebook… Bên cạnh đó, để phục vụ nhanh nhất, các cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số thôn, bản còn chủ động giao hàng đến tận nhà, tận tay cho người dân có nhu cầu.
Thông qua tuyên truyền bền bỉ, tiếp thị nhiệt tình, Nhân dân trên địa bàn xã Long Đống đã tích cực hưởng ứng, lựa chọn sử dụng các PTTT trong Đề án 818. Qua tổng hợp, từ năm 2017 đến nay, xã đã phân phối trên 1.000 chiếc bao cao su các loại; trên 200 vỉ viên thuốc tránh thai Anna; trên 500 chai dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis; 404 hộp bột Canxi Unical For Rice… Số tiền thu được chuyển về Phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện) được hơn 90 triệu đồng. Nhờ người dân áp dụng tốt các biện biện pháp tránh thai nên tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở xã giảm từ 0,9% năm 2017 xuống còn 0,7% năm 2020.
Chị Hoàng Thị Hương, thôn Thủy Hội, xã Long Đống cho biết: Sử dụng các PTTT, chăm sóc SKSS trong Đề án 818 có nhiều ưu điểm như: mặt hàng PTTT đa dạng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá cả ổn định, phù hợp với túi tiền của người dân… Vì vậy, từ năm 2018 đến nay, tôi tin dùng các sản phẩm của đề án này.
Ông Đinh Văn Khoan, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn nhận định: Thực hiện Đề án 818 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân số-KHHGĐ. Từ năm 2018, Đề án đã được triển khai tại 18 xã, thị trấn, trong đó, xã Long Đống là đơn vị điển hình nhất trong thực hiện đề án này. Qua đó, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ về PTTT, chăm sóc SKSS trên địa bàn, đồng thời, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Có thể nói, thay vì trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước để sử dụng miễn phí các PTTT, dịch vụ chăm sóc SKSS, người dân xã Long Đống đã chủ động tìm đến, lựa chọn và sử dụng lâu dài các dịch vụ thuộc Đề án 818. Thời gian tới chính quyền xã Long Đống sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng đề án đến toàn thể Nhân dân, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân sử dụng lâu dài các dịch dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Qua đó góp phần tăng tính bền vững cho công tác dân số, nâng cao sức khoẻ người dân.
Ý kiến ()