Thực hiện Đề án 06: Góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số
– Sau hơn 1 năm triển khai, việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh công tác chuyển đổi số.
Tăng cường chỉ đạo, triển khai
Để triển khai thực hiện tốt Đề án 06 trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 22 ngày 28/1/2022 và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, thành lập tổ công tác triển khai thực hiện đề án từ tỉnh đến cơ sở và khu dân cư. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 11 tổ công tác tại các huyện, thành phố; 200 tổ công tác tại các xã, phường, thị trấn và 1.676 tổ công tác tại các thôn, khối, tổ dân phố. Các tổ công tác đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn cơ quan, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ theo lộ trình đề ra ở từng thời điểm; tích cực tuyên truyền, phổ biến đến người dân về những lợi ích thiết thực mà Đề án 06 mang lại trong đời sống.
Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền về Đề án 06 tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định
Từ năm 2022 đến nay, tổ công tác thực hiện Đề án 06 các cấp trên địa bàn đã tổ chức được trên 10.000 cuộc tuyên truyền về đề án với trên 305.000 lượt người tham dự. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú: thông qua hội nghị, tuyên truyền trực tiếp, thông qua các trang mạng xã hội, phát tờ rơi… Qua đó, giúp cán bộ và Nhân dân hiểu về ý nghĩa và các lợi ích khi triển khai thực hiện đề án.
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 huyện Chi Lăng cho biết: Thực hiện Đề án 06, từ năm 2022 đến nay, UBND huyện đã ban hành 9 kế hoạch, công văn chỉ đạo, triển khai, đôn đốc thực hiện toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ của đề án với phương châm không để sót, không để chậm tiến độ. Qua đây, các cấp, ngành trong huyện đã triển khai đạt kết quả tích cực. Trong đó, đối với lực lượng công an, đến nay đã thực hiện thu nhận trên 65.500 hồ sơ căn cước công dân, đạt trên 99%; thực hiện giải quyết khoảng 6.000 hồ sơ tạm trú, thường trú, tạm vắng qua dịch vụ công trực tuyến.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà Đề án 06 đặt ra là đẩy mạnh thực hiện 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu của các sở, ngành gồm: 11 DVC của ngành công an về đăng ký thường trú, tạm trú, cấp căn cước công dân, định danh điện tử, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông…; thủ tục cấp điện mới từ lưới điện hạ áp, thủ tục thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện của ngành điện lực; thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của ngành lao động, thương binh và xã hội…
Để thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 đề ra, các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, đem lại hiệu quả tích cực. Trong đó, Công an tỉnh là cơ quan thường trực của Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh và là đơn vị có 11/25 DVC thiết yếu. Đại tá Đỗ Ngọc Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Để cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án 06, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn, Công an tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai đề án trong Công an Lạng Sơn, xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm, 63 nhiệm vụ cụ thể gắn với 5 nhóm tiện ích theo nội dung của đề án. Trong đó tập trung vào triển khai các nhóm tiện ích mang tính đột phá như: phân cấp đăng ký xe ô tô cho công an cấp huyện và đăng ký xe mô tô cho công an cấp xã; kiểm tra kỹ thuật đường truyền, đảm bảo kết nối an toàn, thông suốt từ Bộ Công an về Công an tỉnh, công an cấp huyện và cấp xã; tiếp tục triển khai cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử…
Kết quả tích cực
Đến nay, Công an tỉnh đang duy trì 12 tuyến cáp kết nối đường truyền từ công an tỉnh đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; duy trì quản lý, sử dụng 729 chữ ký số phục vụ triển khai Đề án 06 với các lĩnh vực như: quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú, phòng cháy, chữa cháy; đã thu nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với gần 139 nghìn trường hợp…
Đối với 14 DVC còn lại, các sở, ngành, các đơn vị đã và đang tích cực triển khai thực hiện. Cụ thể, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an tỉnh rà soát, đối chiếu, cập nhật thông tin dữ liệu về các đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh (hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, người có công với cách mạng); Sở Tư pháp đã ban hành các văn bản rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ giữa dữ liệu hộ tịch đã được đăng ký và lưu giữ theo thẩm quyền với dữ liệu về dân cư…
Việc triển khai tốt Đề án 06 đã mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy thực hiện các DVC thiết yếu, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số. Từ năm 2022 đến nay, Cổng DVC trực tuyến đã cung cấp hơn 1.800 DVC trực tuyến; công khai gần 1.190 DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng DVC quốc gia; tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của các huyện, thành phố được số hóa lên kho dữ liệu số hóa của tỉnh là trên 44.500 hồ sơ.
Kết quả mang lại còn thể hiện ở từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai đối với 55/62 xã, thị trấn trên địa bàn các huyện: Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình; Sở Y tế triển khai 100% bệnh viện tuyến tỉnh, huyện kết nối với bệnh viện tuyến trên thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh qua nền tảng công nghệ số, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn triển khai thủ tục khám chữa bệnh bằng căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế… Qua đó, góp phần cắt giảm thủ tục hồ sơ, giảm chi phí thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Chị Hoàng Thị Sáu, khối 1, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: Trước đây khi muốn làm hộ chiếu để xuất cảnh sang Trung Quốc, tôi mất nhiều thời gian và công sức đi lại vì phải thực hiện nhiều thủ tục trên giấy. Cuối năm 2022, khi đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh làm hộ chiếu, tôi được cán bộ hướng dẫn đăng ký đổi hộ chiếu mới trên điện thoại thông minh có kết nối internet, rất nhanh, thuận tiện, giúp tôi giảm chi phí, tiết kiệm thời gian.
Những kết quả kể trên là minh chứng khẳng định rõ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân trên địa bàn tỉnh trong thực hiện Đề án 06, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó nhằm cải cách thủ tục hành chính, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/1/2022. Đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình từng năm. Mục tiêu tổng thể của đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia để phục vụ các nhóm tiện tích như: giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế – xã hội; công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp… |
DƯƠNG KIM - HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()