LSO-Trong những năm qua, công tác khoán quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh đã thu được một số kết quả nhất định. Các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường bộ đã thấy rõ hơn vai trò của công tác quản lý, bảo trì đối với việc phát huy hiệu quả khai thác đường bộ cũng như thấy rõ trách nhiệm của mình.Từ đó nâng cao ý thức tự giác, chủ động trong công việc, góp phần đưa hoạt động giao thông vận tải vận hành thông suốt giữa các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Duy tu bảo dưỡng đường nhận khoán trên tuyến tỉnh lộ 230 huyện Văn LãngTrong 4 năm qua, từ năm 2008 đến nay, tỉnh ta đã có 75,09% số km đường tỉnh và 72,04% số km đường huyện được thực hiện việc giao khoán cho các tổ chức, các hộ, nhóm hộ gia đình thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên. Nhất là kinh phí đầu tư giao khoán tăng qua các năm; cụ thể năm 2008, toàn tỉnh mới đầu tư từ...
LSO-Trong những năm qua, công tác khoán quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh đã thu được một số kết quả nhất định. Các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường bộ đã thấy rõ hơn vai trò của công tác quản lý, bảo trì đối với việc phát huy hiệu quả khai thác đường bộ cũng như thấy rõ trách nhiệm của mình.Từ đó nâng cao ý thức tự giác, chủ động trong công việc, góp phần đưa hoạt động giao thông vận tải vận hành thông suốt giữa các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Duy tu bảo dưỡng đường nhận khoán trên tuyến tỉnh lộ 230 huyện Văn Lãng
Trong 4 năm qua, từ năm 2008 đến nay, tỉnh ta đã có 75,09% số km đường tỉnh và 72,04% số km đường huyện được thực hiện việc giao khoán cho các tổ chức, các hộ, nhóm hộ gia đình thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên. Nhất là kinh phí đầu tư giao khoán tăng qua các năm; cụ thể năm 2008, toàn tỉnh mới đầu tư từ vốn sự nghiệp giao thông là hơn 9,1 tỷ đồng, giao khoán gần 3 tỷ đồng thì đến năm 2011, vốn sự nghiệp giao thông đã tăng lên hơn 17 tỷ và mức giao khoán gần 5,7 tỷ đồng. Đạt được kết quả này, phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo, điều hành thường xuyên của UBND các huyện, sự cố gắng của các phòng chức năng, các cấp, sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền địa phương nơi có tuyến đường đi qua. Các chủ hộ, nhóm hộ dân ở trên tuyến đường thuận lợi cho công tác kiểm tra thường xuyên, phát hiện những hư hỏng kịp thời để sửa chữa; các Hạt của Công ty quản lý đường bộ, Đội duy tu ở các huyện có bộ máy tổ chức hoàn chỉnh và có chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm trong quản lý duy tu thường xuyên, được nhà nước trang bị cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong những năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện khoán cho 103 nhóm hộ, hộ gia đình, 18 tổ chức xã hội như: Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và 4 Đội duy tu với 77 cán bộ, công nhân viên chuyên trách công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên, luôn nắm chắc kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ để tham gia thực hiện. Theo đánh giá của sở Giao thông Vận tải, các đối đối tượng nhận khoán đều có tinh thần trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, bảo vệ, quản lý các hạng mục thuộc kết cấu đường như hệ thống biển báo, cọc tiêu, cột cây số…trên đoạn đường hoặc tuyến đường được giao khoán. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và báo cáo cơ quan chức năng để xử lý các hành vi xâm phạm đối với công trình đường bộ, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ góp phần làm tăng khả năng khai thác của đường, hạn chế tình trạng xuống cấp của các tuyến đường huyện, tỉnh.
Ông Hoàng Văn Tình – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: mặc dù đạt được một số kết quả, song việc thực hiện Quy chế khoán mới chỉ dừng lại ở một số hạng mục, công việc khoán mục tiêu, sử dụng lao động phổ thông để trông coi, bảo vệ, phát cây, khơi rãnh, bạt lề, vệ sinh mặt đường, hót sụt nhỏ lẻ. Đặc biệt, các hộ dân nhận khoán tham gia vào việc bảo quản, bảo vệ công trình đường bộ, hành lang an toàn giao thông đường bộ, ngăn chặn, xử lý xe quá tải, các hoạt động gây hư hỏng đường bộ tại các tuyến đường giao cho các hộ dân quản lý, bảo trì khó thực hiện được. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu khối lượng, chất lượng của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý đối với từng đối tượng nhận khoán còn gặp nhiều khó khăn… Trong khi đó, một số tuyến đường bộ như; đoạn Điềm He – Chú Túc – Tân Đoàn (Văn Quan); Tỉnh lộ 230 đoạn Thanh Long – Thụy Hùng (Văn Lãng) và Hữu Lân – Đồng Bục (Lộc Bình)… và nhiều tuyến đường vào các xã vùng sâu, vùng xa do huyện quản lý đang từng giờ, từng ngày xuống cấp nghiêm trọng cần phải được nâng cấp.
Thực tế trên các tuyến đường huyện chủ yếu là đường cấp phối, đường đất với tổng chiều dài 672,3/814,5 km, tương ứng với 82,5%, mặt đường xuống cấp nhanh, kinh phí đầu tư còn thấp, nên việc duy trì công tác khoán bảo dưỡng thường xuyên, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho một số đối tượng là hộ nông dân, hộ nghèo ở nông thôn nơi có tuyến đường đi qua là rất cần thiết. Chính vì lẽ đó, tại phiên họp giao ban UBND tỉnh thường kỳ tháng 5/2012, Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh sớm xem xét, ban hành Quy chế khoán bảo dưỡng thường xuyên đường huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thay thế Quyết định số 31/2007/QĐ-UBND ngày 27/8/2007 của UBND tỉnh về khoán quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, đường huyện cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Mai Văn Hoa
Ý kiến ()