Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của bảo tàng báo chí
Sáng 16/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Bảo tàng Báo chí Việt Nam – Định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập (2017-2022).
Đại biểu tham luận tại tọa đàm. |
Thành lập năm 2017, đến tháng 7/2022, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm trên 35 nghìn tài liệu, hiện vật; tổ chức 20 cuộc trưng bày chuyên đề, tọa đàm khoa học về báo chí tại bảo tàng và lưu động ở các địa phương; sản xuất 250 phim tư liệu và clip về các nhà báo và lịch sử báo chí.
Các hoạt động của bảo tàng đã thu hút hơn 18 nghìn lượt khách tham quan, hàng nghìn lượt theo dõi qua Facebook, hàng trăm nghìn lượt truy cập website của bảo tàng. Nơi đây đã trở thành địa chỉ cung cấp thông tin chuyên sâu về lịch sử báo chí Việt Nam cũng như lịch sử của dân tộc và dòng chảy tinh thần văn hóa Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Để phát huy tiềm năng và vai trò, vị trí quan trọng của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao đề án phát triển Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tiếp tục làm phong phú kho tư liệu và những hiện vật quý giá thông qua sự hợp tác của các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo, từ đó có phương pháp sưu tầm, lưu giữ và trưng bày phù hợp, đặc biệt cần chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của bảo tàng.
Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, Bảo tàng cần có chương trình phối hợp để khai thác tốt hơn di sản đang có, trong đó tổ chức các cuộc tham quan, học tập, trải nghiệm ngay tại Bảo tàng; tổ chức trưng bày chuyên đề, các buổi tọa đàm và hội thảo; tiếp tục tăng cường sự hợp tác với các bảo tàng báo chí trong nước và thế giới để khai thác tiềm năng, tri thức phong phú, kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia cố vấn về lịch sử báo chí và lịch sử chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam trao bằng khen cho các cá nhân. |
Nhà báo Lê Quốc Trung nhận xét, Bảo tàng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm vì đây là điều kiện sống còn và là hoạt động thường xuyên của một bảo tàng. Thời gian qua, Bảo tàng Báo chí đã làm rất tốt công tác này. “Điều lưu ý ở đây là cần đa dạng hóa công tác sưu tầm và quan tâm sưu tầm không chỉ các hiện vật lịch sử, mà còn phải tranh thủ tối đa mọi khả năng tạo các bộ sưu tập báo chí đương đại để thế hệ sau này không mất công sức và tiền bạc sưu tầm hiện vật của hôm nay”- nhà báo Lê Quốc Trung nhấn mạnh.
Vấn đề áp dụng công nghệ thông tin 4.0 cũng được nhiều diễn giả quan tâm và đề nghị Bảo tàng Báo chí Việt Nam phát huy. Thạc sĩ Nguyễn Hải Ninh (Cục Di sản Văn hóa) phân tích những lợi thế của ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tàng, đồng thời đưa ra nhiều dẫn chứng, kinh nghiệm sử dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vào bảo tồn, lưu giữ, trưng bày… tại nhiều bảo tàng trong nước và nước ngoài.
Tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho tập thể và các cá nhân có nhiều đóng góp cho sự ra đời, phát triển của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Ý kiến ()