Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Ghi dấu chặng đường đầu
– Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, từ năm 2021 đến nay, việc triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM cả giai đoạn 2021 – 2025.
Thi công công trình hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn xã Thanh Long, huyện Văn Lãng
Từ năm 2021 đến nay, việc triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó có những khó khăn đã được dự báo, nhận định từ trước. Thế nhưng cũng có không ít khó khăn, vướng mắc phát sinh do khách quan mang lại trong quá trình triển khai thực hiện.
Đối diện thách thức
Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của người dân, hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 65 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 12,97 tiêu chí, tăng 10,7 tiêu chí/xã so với năm 2011; 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao…
Giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 50 xã đạt chuẩn NTM; 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xây dựng và công nhận mới 30 khu dân cư kiểu mẫu… Mục tiêu cao, trong khi việc triển khai thực hiện chương trình ngay từ năm 2021 diễn ra trong bối cảnh “đặc biệt” với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Khó khăn đầu tiên phải kể đến nguồn vốn để thực hiện chương trình. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, nguồn vốn Trung ương thực hiện chương trình phân bổ chậm dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ các công trình xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM không được phân bổ trùng lặp địa bàn thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại, trong khi đó trên địa bàn tỉnh, ngoài các xã đã đạt chuẩn NTM thì phần lớn các xã còn lại là xã vùng III mà nguồn vốn thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia khác lại không có nội dung hỗ trợ đầu tư để đảm bảo hoàn thành tiêu chí NTM…
Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn khác như dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện một số tiêu chí, trong đó có những tiêu chí cần sự chung sức trực tiếp đến người dân như giao thông, thủy lợi, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa…
Cùng với đó, một số bộ, ngành chậm ban hành hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025; trong bộ tiêu chí có một số chỉ tiêu, tiêu chí quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh miền núi như: tiêu chí thu nhập tăng thêm 3 triệu đồng/người/năm theo từng năm; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống nước tập trung, một số chỉ tiêu thuộc tiêu chí môi trường, hộ nghèo đa chiều, khám chữa bệnh từ xa… khó thực hiện đối với tỉnh miền núi với địa hình chia cắt, dân cư sinh sống không tập trung, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn.
Một khó khăn khác xuất phát từ thực tiễn đó là đa số các huyện đều chủ động lựa chọn các xã có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi hơn để chỉ đạo xây dựng đạt chuẩn NTM ở giai đoạn trước. Như vậy càng về sau, việc thực hiện xây dựng NTM ở các xã còn lại càng khó khăn hơn.
Ông Hoàng Thanh Đạm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Giai đoạn 2021 – 2025, bình quân mỗi năm huyện phấn đấu có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM, qua đó góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xây dựng huyện NTM trong giai đoạn này. Tuy nhiên, các xã chưa đạt chuẩn NTM đều là xã đặc biệt khó khăn đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, thời gian thực hiện kéo dài. Trong khi đó từ năm 2021 trở lại đây, khó khăn về nguồn vốn, thiên tai, dịch bệnh, bộ tiêu chí mới nhiều chỉ tiêu hơn, khó thực hiện hơn,… khiến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn huyện đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Cùng với huyện Đình Lập, các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc tương tự. Tuy nhiên, với sự chủ động, quyết tâm, các cấp, ngành liên quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM đề ra.
Thi công đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Lâm Ca, huyện Đình Lập
Nỗ lực vượt khó
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; chủ động ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện chương trình trong cả giai đoạn cũng như hằng năm; kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình; chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động huy động sự chung sức của người dân trong thực hiện các tiêu chí; cân đối, lồng ghép, hỗ trợ nguồn lực giúp các xã thực hiện các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng… Qua đó, từng bước tháo gỡ khó khăn để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM đề ra.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, khi chưa có nguồn vốn trung ương phân bổ để thực hiện chương trình, UBND tỉnh đã cân đối, bố trí tạm ứng từ ngân sách tỉnh 180 tỷ đồng; UBND các huyện cũng lồng ghép, cân đối thêm nguồn lực, từ đó hỗ trợ các xã điểm xây dựng NTM, NTM nâng cao triển khai xây dựng 206 danh mục công trình.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 85 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 17 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và dự kiến hết năm 2023 có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu. Qua đó đảm bảo tiến độ triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 theo đúng kế hoạch. |
Sau khi có nguồn vốn trung ương phân bổ, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phân bổ, hỗ trợ nguồn lực để các huyện, thành phố, các xã thực hiện các tiêu chí. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2023, ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là 1.187 tỷ đồng, ngoài ra tỉnh cũng đã cân đối, lồng ghép các nguồn vốn khác để hỗ trợ các huyện, thành phố thực hiện chương trình xây dựng NTM. Song song với việc chủ động nguồn vốn, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan còn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở các huyện, thành phố, trong đó trọng tâm là ở các xã điểm. Từ đó các công trình hạ tầng NTM cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra.
Cùng với tháo gỡ khó khăn về vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, các cấp, ngành liên quan tập trung khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; chủ động rà soát, thực hiện các tiêu chí đã có hướng dẫn cụ thể, đồng thời chủ động nắm bắt, từng bước thực hiện các tiêu chí khác trong khi chờ hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan; tăng cường tuyên truyền, vận động sự chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp chung sức thực hiện các tiêu chí.
Giai đoạn 2021 – 2023, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được gần 7.500 hội nghị, sinh hoạt chuyên đề về xây dựng NTM với gần 310.000 lượt người tham gia; cấp phát 3.390 tài liệu hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia xây dựng xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025…
Cùng với đó, năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phân công cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ các xã trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đồng thời từ năm 2021 đến nay, nhiều huyện đã có cách làm mới, sáng tạo, phát huy được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sức lan tỏa trong xây dựng NTM như phong trào “Ngày thứ 7 đi cơ sở xây dựng NTM”; “Ngày Chủ nhật đỏ chung sức xây dựng NTM”… Qua đó, vừa tạo động lực, vừa thêm nguồn lực để các xã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM. Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp gần 200 tỷ đồng (tiền mặt, ngày công, hiến đất) để chung sức thực hiện các tiêu chí NTM.
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung sức của người dân, việc triển khai xây dựng NTM ở các xã đã đạt được những kết quả tích cực. Ông Lăng Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia cho biết: Năm 2022, xã Thiện Hòa được chọn là xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM. Là một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt khiến cho việc xây dựng NTM trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn, thời điểm đó, xã mới đạt 4/19 tiêu chí. Tuy nhiên, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước (khoảng 60 tỷ đồng) và sự chung sức của người dân (người dân đóng góp 1 tỷ đồng, hiến 2.500 m2 đất và 7.000 công lao động), việc triển khai thực hiện các tiêu chí NTM trên địa bàn xã đã đạt được những kết quả tích cực. Hết năm 2022, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Những nỗ lực, cố gắng không ngừng đã mang lại kết quả quan trọng, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 85 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 17 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và dự kiến hết năm 2023 có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu. Qua đó đảm bảo tiến độ triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 theo đúng kế hoạch.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành và sự chung sức của người dân, việc triển khai xây dựng NTM từ năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, tạo tiền đề, động lực quan trọng để tỉnh hướng đến hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.
Ý kiến ()