Thực hiện Chương trình Quốc gia không chế, tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021: Tăng quản lý, nâng nhận thức
(LSO) – Sau hơn 2 năm triển khai Quyết định 1537/NN-TY về thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; song vẫn còn đó sự chủ quan của người dân.
Tích cực hành động
Lạng Sơn là 1 trong 35 tỉnh trong diện “nguy cơ thấp” về bệnh dại, song không vì vậy mà ngành y tế và toàn hệ thống chính trị buông lỏng về tuyên truyền và hạ thấp nguy cơ của loại bệnh đặc biệt này. Trong thời gian qua, công tác truyền thông không ngừng được đổi mới theo hướng đa dạng hóa và được gia tăng về số lượng, nâng cao chất lượng nên một bộ phận người dân đã được nâng cao về nhận thức và hành động. Chỉ trong 2 năm, cùng với gần 600 tin bài phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức tuyên truyền phòng chống bệnh dại được mở rộng từ những buổi họp thôn bản, khối phố đến các chương trình sinh hoạt tại các tổ chức chính trị, xã hội đã có tác động tích cực đến người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng chống bệnh dại. Người nuôi chó, mèo đã quan tâm tìm hiểu và thực hiện Nghị định 05/2007/NĐ-CP về phòng chống bệnh dại ở động vật; hợp tác tốt hơn với cơ quan thú y trong công tác tiêm phòng và từng bước chấp hành quy định về nuôi, nhốt chó, không thả rông chó, đeo rọ mõm cho chó khi dắt ra ngoài đường, ra nơi công cộng. Người dân cũng đã chủ động đi tiêm phòng khi bị chó cắn. Trong 7 tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh đã có 2.742 người đi tiêm vắc-xin phòng dại, tăng 476 ca so với cùng kỳ năm 2018 và có 18 người tiêm huyết thanh dại, tăng 8 người so với cùng kỳ.
Người dân tiêm vắc-xin phòng dại tại điểm tiêm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lạng Sơn
Mặc dù còn khó khăn về kinh phí, song từ đầu năm 2018, tỉnh đã chi ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí mua 40.000 liều vắc-xin để hỗ trợ cho công tác tiêm phòng dại cho chó và vật dễ nhiễm bệnh dại trên địa bàn. Vì vậy, tỷ lệ tiêm phòng dại đã tăng qua từng năm: nếu năm 2017 tiêm được 20.279 con, chiếm 15,24% tổng đàn, thì năm 2018 đã tiêm 32.347 con, đạt 25,6% và 8 tháng đầu năm 2019 đã tiêm được 14.228 con, chiếm 12% tổng đàn.
Còn đó những khó khăn
Khống chế tiến tới loại trừ bệnh dại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và sự tự giác của người dân. Quy định về nuôi chó, mèo, việc bắt buộc tiêm phòng cho chó, mèo… tại Nghị định 05/2007 rất rõ ràng song hiệu quả thực hiện chưa cao. Theo thống kê của cơ quan thú y, hiện nay toàn tỉnh có khoảng trên 130 ngàn con chó, song tỷ lệ được tiêm phòng còn rất thấp; điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ phát sinh bệnh dại, dịch bệnh dại ở các khu dân cư.
Công viên Chi Lăng- thành phố Lạng Sơn sau giờ làm việc buổi chiều có rất đông người dân đến vui chơi giải trí và luyện tập thể dục thể thao. Cùng với đó, hàng chục con chó từ những con to lớn hung dữ đến những con chó cảnh nhỏ xíu trong tình trạng không rọ mõm được các cô cậu chủ thả tự do tại công viên. Đây không phải là điều hiếm gặp ở những nơi công cộng khác. Điều này cho thấy ý thức của chủ nuôi chưa cao. Đồng thời, vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan hoặc do các cơ sở tiêm phòng thiếu vắc xin nên đã không tiêm phòng kịp thời và đầy đủ. Hậu quả là họ đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình hoặc người thân. Đầu năm 2018, một bệnh nhi 9 tuổi điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhưng không qua khỏi; tháng 7/2019, trường hợp tại thôn Cốc Muống, xã Quốc Việt, Tràng Định tử vong do bị chó dại cắn mà không đi tiêm phòng. Đây là những trường hợp tử vong đáng tiếc do thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của bệnh dại.
Để có thể hoàn thành mục tiêu vào năm 2021, song song với tuyên truyền cần có chế tài cụ thể buộc các hộ nuôi chó phải tuân thủ các quy định của pháp luật về nuôi nhốt, tiêm phòng, cấm thả rông; xích, rọ mõm và có người dắt khi ra đường. Cần xử phạt những trường hợp thả rông chó tại công viên, nơi công cộng. Mặt khác, cơ quan thú y cần tích cực tiêm phòng để tỷ lệ chó được tiêm tăng cao; ngành y tế cần chuẩn bị tốt vắc-xin sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.
MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)
Ý kiến ()