Thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện: Đôi bên cùng hưởng lợi
– Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã và đang xây dựng nhiều giải pháp, trong đó có triển khai thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Chương trình không chỉ giúp giảm công suất cực đại của hệ thống điện vào giờ cao điểm qua đó tiết giảm điện năng mà còn giúp doanh nghiệp sản xuất tiết giảm chi phí trong sử dụng điện.
Chương trình DR là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng điện khi có yêu cầu của đơn vị cung cấp điện. Chương trình sẽ góp phần giảm công suất cực đại của hệ thống điện vào giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, nâng cao hiệu quả kinh tế. Để triển khai chương trình DR, từ năm 2019 đến nay, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã tuyên truyền vận động những khách hàng là những doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/tháng trở lên tham gia chương trình.
Cán bộ điện lực kiểm tra thiết bị và kiểm tra thông số vận hành tại Trạm 110 kV Đồng Đăng
Chia sẻ về lợi ích khi tham gia chương trình DR, ông Phạm Văn Khoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Đá mài Hải Dương – Chi nhánh Hạt mài Tân Mỹ cho biết: Trung bình mỗi năm, công ty sử dụng khoảng 37 triệu kWh điện. Chi phí tiền điện mỗi tháng công ty phải chi trả trên 500 triệu đồng, chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất, khiến giá thành sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Công ty Điện lực Lạng Sơn, năm 2019, công ty đã tham gia chương trình DR.
Tham gia chương trình, công ty được Công ty Điện lực Lạng Sơn hỗ trợ, hướng dẫn điều chỉnh công suất một số loại máy móc như máy dập, máy nghiền… từ 13 kW xuống còn 7 kW; tăng sản lượng sản phẩm luyện mỗi lò để cắt giảm số lượng lò luyện;… Từ đó, sản lượng điện sử dụng của công ty đã giảm 7,5% đến 10%/năm so với trước khi tham gia chương trình DR.
Ngoài Công ty Cổ phần Đá mài Hải Dương – Chi nhánh Hạt mài Tân Mỹ, đến thời điểm hiện tại đã có 19 doanh nghiệp sản xuất lớn có sản lượng tiêu thụ điện lớn (trên 1 triệu kWh/năm trở lên) khác ký kết, tham gia chương trình DR như: Công ty Cổ phần Xi măng Hồng Phong, Công ty Cổ phần Thương mại Sản xuất da Nguyên Hồng, Công ty Than Na Dương… Các doanh nghiệp sau khi tham gia chương trình DR, sản lượng tiêu thụ điện của những doanh nghiệp này đều giảm từ 5 đến 7%/năm.
Bà Lý Thanh Huyền, Phó trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Với việc ký kết thỏa thuận tham gia chương trình DR, chung tay cùng ngành điện bảo đảm vận hành ổn định hệ thống, các doanh nghiệp sản xuất được công ty hỗ trợ xây dựng kế hoạch tiết giảm điện như: hướng dẫn điều chỉnh giảm công suất của một số máy móc sản xuất sử dụng điện cho phù hợp để giảm sản lượng điện sử dụng. Cùng đó, doanh nghiệp còn được hưởng một số lợi ích khác như: giảm chi phí tiền điện do chuyển một phần công suất sử dụng từ giờ cao điểm sang thấp điểm; tư vấn về cách sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm trong sản suất và hỗ trợ tối đa các phát sinh trong quá trình sử dụng điện. Từ đó giúp doanh nghiệp tiết giảm lượng điện tiêu hao trong quá trình sản xuất, vì thế, sản lượng điện tiêu thụ, chi phí tiền điện của doanh nghiệp sẽ được giảm đáng kể.
Qua trao đổi với lãnh đạo Công ty Điện lực Lạng Sơn, chúng tôi được biết: trên cơ sở làm việc với các doanh nghiệp, thu thập dữ liệu biểu đồ phụ tải sử dụng điện, công ty đã tiến hành lập phương án, tính toán các phụ tải điện có thể tiết giảm. Bên cạnh đó, để tránh thời gian cắt điện lâu, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, công ty thực hiện giải pháp tiết giảm luân phiên đối với các doanh nghiệp khi chương trình DR. Với số lượng doanh nghiệp tham gia như hiện nay, theo tính toán, sản lượng điện năng thực hiện tiết giảm trong năm 2022 sẽ được 28 MW.
Ông Vũ Khánh Toàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Với giải pháp tiết giảm luân phiên, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ không bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Qua hơn 3 năm triển khai chương trình DR tại Lạng Sơn, khái niệm “điều chỉnh phụ tải”, “tiết giảm công suất” đã trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất, kinh doanh có quy mô tiêu thụ, sử dụng điện lớn. Trong thời gian tới, nhằm tiết kiệm năng lượng, công ty tiếp tục triển khai nhiều hoạt động để đẩy mạnh thực hiện chương trình DR, vận động thêm nhiều doanh nghiệp khác tham gia.
Từ hiệu quả thực tiễn cho thấy: việc thực hiện chương trình DR trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp tham gia chương trình cũng như Công ty Điện lực Lạng Sơn, vừa góp phần giảm công suất của hệ thống điện trong giờ cao điểm, nâng cao chất lượng cung cấp điện, vừa giúp doanh nghiệp phát triển nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Ý kiến ()