Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương: Tạo động lực phát triển từ công tác cán bộ (Kỳ 1)
– Bám sát các nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, quy hoạch cán bộ đảm bảo thống nhất, liên thông chặt chẽ từ trên xuống dưới, giữa các cấp, ngành trong cùng hệ thống chính trị, thời gian qua, các cấp ủy từ tỉnh đến huyện đã thực hiện điều động, luân chuyển, bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Kỳ 1: Từng bước triển khai
Việc bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương là chủ trương đã được Trung ương triển khai từ khá sớm. Trên cơ sở những nghị quyết, kết luận của Trung ương, các cấp ủy từ tỉnh đến huyện trên địa bàn đã từng bước đẩy mạnh thực hiện chủ trương này.
Từ thực tiễn triển khai, chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương đã phát huy được nhiều ưu điểm, tạo những đột phá trong công tác cán bộ.
Chủ trương phù hợp với thực tiễn
Chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương đã được đề ra từ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý. Tiếp đó, trong các nhiệm kỳ tiếp theo, chủ trương này tiếp tục được triển khai và rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Đến Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Mục tiêu nghị quyết đề ra đến năm 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không phải người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.
Trong những nhiệm kỳ gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương này. Hiện nay, một số tỉnh, thành đã hoàn thành bố trí 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương như Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Tây Ninh….
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, bố trí cán bộ chủ chốt không phải người địa phương là một chủ trương, một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm đổi mới công tác cán bộ trong tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy lãnh đạo, quản lý. Việc thực hiện chủ trương này mang lại nhiều ưu điểm, góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, “một người làm quan cả họ được nhờ”, thực hiện việc kiểm soát quyền lực tốt hơn.
“Chủ trương này đã tạo ra đổi mới mang tính đột phá, bứt phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đổi mới ở từng địa phương. Các cán bộ ở nơi khác đến sẽ có tư duy mới, cách nghĩ mới, cách làm mới, giải quyết các công việc một cách công tâm, khách quan, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm. Từ đó, vừa thổi luồng gió mới cho cơ sở vừa giúp cán bộ ngày càng trưởng thành, bản lĩnh hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Với những ý nghĩa đó, BTV Tỉnh ủy đã và đang thực hiện chủ trương này, đưa chủ trương vào thực tiễn, phù hợp với tình hình của tỉnh” – Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Việc triển khai chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương được các cấp ủy trong tỉnh triển khai đồng bộ, thống nhất, không chỉ đối với cấp huyện mà còn đối với cả cấp xã trên địa bàn.
Thực hiện đồng bộ, thống nhất
Lãnh đạo Huyện ủy Văn Lãng chúc mừng các đồng chí được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm đợt tháng 8/2023
Để đưa chủ trương vào thực tiễn, BTV Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch, quyết định, quy định cụ thể về công tác luân chuyển cán bộ như Kế hoạch số 42-KH/TU, ngày 23/8/2017 về luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2020; Quyết định số 1134-QĐ/TU, ngày 28/2/2018 về việc ban hành Quy định luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp (kèm theo Quyết định này là Quy định luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp). Trong đó, gắn liền công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý với việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương.
Theo đó, trước khi thực hiện công tác này, BTV Tỉnh ủy đã thực hiện công tác đánh giá cán bộ, rà soát địa bàn cần bố trí cán bộ, từ đó xây dựng phương án sắp xếp, luân chuyển cán bộ cho phù hợp. Các đồng chí trong diện luân chuyển về giữ chức vụ bí thư các huyện ủy, thành ủy là những cán bộ có năng lực, triển vọng, cán bộ trẻ, nhiệt huyết đang giữ chức vụ lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Nhằm tạo sự thống nhất trong thực hiện chủ trương, BTV Tỉnh ủy tập trung làm tốt công tác tư tưởng với cán bộ trong diện luân chuyển và tập thể cán bộ địa phương sẽ tiếp nhận cán bộ mới từ tỉnh về.
Tương tự, tại cấp huyện, thời gian qua, các huyện ủy, thành ủy trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh chủ trương này. Đơn cử như tại Bình Gia, hiện nay huyện có 9/19 xã, thị trấn có bí thư cấp ủy không phải người địa phương. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Nét nổi bật trong công tác luân chuyển cán bộ trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 này là ngoài việc luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã, BTV Huyện ủy đã điều động, luân chuyển bí thư từ xã này sang xã khác, trong đó gắn liền với chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương. Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, chúng tôi đã đánh giá cán bộ nghiêm túc, chặt chẽ, làm tốt công tác tư tưởng, từ đó đảm bảo giao đúng việc, đúng người.
Hay như tại Văn Quan, đây cũng là nhiệm kỳ BTV Huyện ủy đẩy mạnh triển khai việc thực hiện chủ trương này ở cấp xã. Trao đổi với chúng tôi, bà Lành Thị Huệ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Văn Quan chia sẻ: Trong việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp xã chúng tôi luôn chú trọng sắp xếp, bố trí cán bộ đảm bảo linh hoạt, phù hợp, tạo môi trường để các đồng chí phát huy được năng lực, sở trường của mình. Việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương được triển khai từng bước, thận trọng, không tuyệt đối hóa. Hiện nay, tại một số xã chúng tôi đã bố trí sắp xếp cả bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã không phải người địa phương; bên cạnh đó có những xã chúng tôi cũng sắp xếp bố trí đảm bảo một trong hai cán bộ chủ chốt là người địa phương để làm sao bám sát thực tiễn, nắm vững tình hình. Hiện nay, toàn huyện có 7/17 đơn vị xã có bí thư cấp ủy không phải người địa phương.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 10/11 đơn vị có bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương; có 101/200 đơn vị có bí thư cấp ủy cấp xã không phải người có quê quán hoặc sinh sống 3 đời tại địa bàn công tác. Trong đó, một số huyện đã triển khai chủ trương này sâu rộng, đạt tỷ lệ cao như Văn Lãng (76,5%), Tràng Định (68,2%), thành phố Lạng Sơn (62,5%)…
Chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương đã từng bước được cụ thể hóa, triển khai tại cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Qua triển khai đã tạo nên những đổi mới trong công tác cán bộ, mang đến luồng gió mới cho cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Những kết quả từ thực tiễn là minh chứng quan trọng khẳng định sự đúng đắn, phù hợp của việc thực hiện chủ trương này.
Theo Quy định 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, người địa phương là người có quê quán ở địa phương đó (trừ trường hợp có quê quán ở địa phương đó nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương khác) hoặc là người có quê quán ở địa phương khác nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương đó. Trước đây, theo Quy định 98-QĐ/TW, ngày 7/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về luân chuyển cán bộ, người địa phương được hiểu là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở địa phương đó hoặc là người đã học tập, công tác từ 20 năm trở lên ở địa phương đó. |
Ý kiến ()