LSO-Những năm qua, hoạt động khai thác, kinh doanh và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được quản lý chặt chẽ, tạo nguồn thu khá lớn cho ngân sách địa phương. Việc triển khai các văn bản pháp luật về khoáng sản được thực hiện nghiêm túc, thông qua công tác xây dựng các quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, công tác khoanh định các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 125 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 15 loại khoáng sản rắn. Để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách và biện pháp phát triển công nghiệp khai khoáng một cách hợp lý, tránh ô nhiễm cho khu vực xung quanh. Cụ thể, Lạng Sơn đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực kinh tế, kinh nghiệm để thăm dò, khai thác chế biến các điểm mỏ có trữ lượng lớn,...
LSO-Những năm qua, hoạt động khai thác, kinh doanh và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được quản lý chặt chẽ, tạo nguồn thu khá lớn cho ngân sách địa phương. Việc triển khai các văn bản pháp luật về khoáng sản được thực hiện nghiêm túc, thông qua công tác xây dựng các quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, công tác khoanh định các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 125 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 15 loại khoáng sản rắn. Để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách và biện pháp phát triển công nghiệp khai khoáng một cách hợp lý, tránh ô nhiễm cho khu vực xung quanh. Cụ thể, Lạng Sơn đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực kinh tế, kinh nghiệm để thăm dò, khai thác chế biến các điểm mỏ có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao như quặng sắt, quặng bauxit, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và làm vật liệu thông thường. Trong những năm qua, bằng chính sách thu hút đầu tư, tỉnh đã thu hút các dự án khai thác, chế biến khoáng sản có quy mô như: Dự án khai thác, chế biến quặng sắt Gia Chanh; dự án khai thác khoáng sản (KTKS) làm vật liệu xây dựng thông thường các mỏ đá vôi Hồng Phong, Mai Sao, Tà Lài, Lân Luông II với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác ở địa phương được tỉnh đặc biệt quan tâm. Thường xuyên đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công tác tuyên truyền pháp luật, vì vậy trên địa bàn tỉnh không có những điểm nóng về KTKS trái phép.
|
Đoàn khảo sát mỏ khoáng sản ở thôn Lân Hát (Bắc Sơn) |
Cùng với đó, tỉnh đã chú trọng đến việc áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác và chế biến khoáng sản nhằm tạo ra năng suất và nâng cấp sản phẩm, trước mắt là sản xuất, khai thác chế biến đá vôi, quặng bauxit, quặng chì kẽm. Hiện tỉnh đã và đang tiến hành cơ giới hóa một số mỏ và tăng cường hợp tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản. Đặc biệt, đối với chính sách bảo vệ môi trường (BVMT), môi sinh trong khai thác mỏ và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh được thực hiện tương đối chặt chẽ. Minh chứng là 100% dự án khai thác, chế biến khoáng sản đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết BVMT và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị đều tuân thủ các quy định về BVMT trong KTKS. Trên cơ sở văn bản quy định của tỉnh và việc hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc của ngành chức năng, đến nay đa số các cơ sở KTKS hoạt động trên địa bàn đã chấp hành việc ký quỹ để phục hồi môi trường sau khai thác. Tỉnh cũng đang tiến hành dự án khoanh vùng khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản, dự án này nhằm mục đích bảo vệ các công trình an ninh, quốc phòng, công trình xây dựng quan trọng, bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ và bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trong quá trình KTKS. Việc thực hiện thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản được thông qua các khoản thuế theo quy định của pháp luật như thuế tài nguyên, thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động KTKS được đảm bảo. Kết quả, 100% tổ chức hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều chấp hành thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp KTKS còn có những đóng góp khác cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác: đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, quỹ phúc lợi xã hội và đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận dân cư trong tỉnh. Trong quá trình phát triển công nghiệp khai khoáng, tỉnh còn luôn chú ý kết hợp kinh tế với an ninh, quốc phòng, các khu vực mỏ được cấp phép đều không chồng lấn vào các công trình an ninh, quốc phòng và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ đường biên mốc giới.
Có thể nói, khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được, do đó việc xây dựng chiến lược khai thác hợp lý đối với từng loại khoáng sản là hết sức cần thiết. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoáng sản theo hướng gọn nhẹ, cải cách hành chính, tập trung về một đầu mối; xây dựng cơ chế khuyến khích về mặt tài chính và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp có đầu tư lớn về công nghệ khai thác, chế biến và thực hiện tốt công tác BVMT trong KTKS.
Xuân Hương
Ý kiến ()