Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam
Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, phần lớn chỉ tiêu đặt ra trong năm năm qua đều đã hoàn thành và vượt mức kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế bình quân đạt khoảng 5,7%/năm, khách du lịch trong nước tăng khoảng 16,3%/năm; tổng thu từ khách du lịch tăng trưởng khoảng 25%/năm. Tính đến hết năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn bảy triệu lượt khách, lượng du khách trong nước đạt 53,8 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt gần 313 nghìn tỷ đồng.
Một trong những thành tựu cho thấy sự chuyển biến và phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam thời gian qua là về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú. Đến nay, cả nước đã có gần 20 nghìn cơ sở lưu trú với 419.280 buồng, đạt tăng trưởng trung bình số buồng là 15,87%/năm; trong đó có 91 cơ sở hạng năm sao, 219 cơ sở hạng bốn sao, 442 cơ sở hạng ba sao. Đây cũng là lĩnh vực được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm và đẩy mạnh đầu tư, góp phần quan trọng mở rộng hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp, qua đó tăng cường năng lực và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Thị trường khách du lịch trong giai đoạn vừa qua phát triển cơ bản phù hợp với định hướng chiến lược. Trong đó các thị trường gần ở khu vực Đông-Bắc Á, ASEAN vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các thị trường truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ, Ô-xtrây-li-a vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, trong đó thị trường khách Nga có tốc độ tăng trưởng nhanh mặc dù gần đây có sự sụt giảm do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế Nga. Các thị trường khách mở rộng là Ấn Độ và từ các nước Trung Đông bước đầu đạt kết quả nhất định. Trong khi đó, thị trường khách du lịch trong nước liên tục tăng trưởng, đạt tới 16,3%/năm, phản ánh nhu cầu đi lại du lịch rất lớn của du khách Việt Nam cũng như khả năng đáp ứng của ngành du lịch.
Trong những nhiệm vụ đặt ra của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, xây dựng các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm đặc trưng đã có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng khẳng định được giá trị. Hệ thống sản phẩm dần được hình thành theo định hướng phát triển du lịch theo bảy vùng với những sản phẩm đặc thù riêng cho mỗi vùng. Ngoài du lịch biển, nhiều sản phẩm mới ở vùng núi thu hút đông khách du lịch.
Để thúc đẩy sự phát triển của du lịch nước ta trong năm năm qua có phần đóng góp của công tác xúc tiến quảng bá do những đổi mới bước đầu cả về nội dung và hình thức, quảng bá hình ảnh đất nước. Ngoài việc tham gia các hội chợ, mời báo chí nước ngoài đến tìm hiểu sản phẩm, tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch… những cách thức mới cũng được tiếp cận và áp dụng như xúc tiến qua các kênh in-tơ-nét, mạng xã hội, thiết lập quan hệ công chúng, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xúc tiến quảng bá, liên kết giữa điện ảnh, truyền hình và du lịch. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch cũng được đẩy mạnh, qua đó mở rộng thị trường nguồn khách quốc tế cho du lịch Việt Nam. Nguồn nhân lực du lịch nước ta cũng có những chuyển biến tích cực so với trước về cả số lượng và chất lượng. Tuy còn một khoảng cách lớn so với mục tiêu của chiến lược đề ra đến năm 2015, nhưng ngành du lịch hiện đã tạo việc làm cho gần 555 nghìn lao động trực tiếp, hơn 1,2 triệu lao động gián tiếp, góp phần mang lại hiệu quả xã hội trong việc tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cho thấy quan điểm nhất quán về phát triển. Chất lượng dịch vụ được tăng lên đáng kể, nhận thức về du lịch của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có bước chuyển biến rõ rệt. Ngành du lịch ngày càng nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; dần từng bước khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như năng lực cạnh tranh thấp; phát triển du lịch còn thiếu sự bền vững, nhiều vấn đề về môi trường du lịch chưa được giải quyết; phát triển sản phẩm du lịch chưa đạt như kỳ vọng, còn thiếu sản phẩm đặc thù, mang bản sắc riêng; công tác xúc tiến quảng bá chưa có sự chuyển biến đột phá tương xứng với yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa cao; kinh phí đầu tư cho du lịch còn thấp; hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế…
Nhìn lại những thành tựu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2015, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để từ đó có những giải pháp nhằm khôi phục sự tăng trưởng đang có chiều suy giảm do nhiều khó khăn của thị trường du lịch thế giới. Một trong các đề xuất là cần tăng kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động của ngành du lịch; thành lập trường đại học du lịch để nâng cao chất lượng nhân lực theo hướng chuyên nghiệp; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như cộng đồng dân cư; chú ý nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá; quan tâm tới những vấn đề về biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới du lịch; định vị các thị trường trọng điểm phù hợp với năng lực phục vụ của du lịch Việt Nam…
Chỉ đạo tại hội thảo về năm năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đề nghị ngành du lịch trong thời gian tới cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch nước ta, chú ý phân tích rõ nội hàm của năng lực cạnh tranh để có những giải pháp cụ thể, phù hợp với bối cảnh và điều kiện ở Việt Nam. Việc nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch là rất quan trọng, song không thể nóng vội, phải có những nỗ lực, đồng thuận thực hiện của các cấp, ngành chức năng, chính quyền và phải có quá trình tuyên truyền, vận động từ đó mới hình thành nhận thức đúng đắn về du lịch và những lợi ích chung mang lại với cộng đồng. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhấn mạnh tới công tác xúc tiến quảng bá và truyền thông, yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến du lịch theo hướng tập trung nguồn lực và gắn bó chặt chẽ với truyền thông để tạo hiệu quả tuyên truyền thật rộng rãi. Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác công tư giữa cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp; nhấn mạnh vai trò quan trọng của các địa phương và doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực du lịch.
Ý kiến ()