Thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ: Chuyển biến sâu trong y tế trường học
LSO- Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg, ngày 12/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ, công tác y tế trường học (YTTH) ở Lạng Sơn đã có sự phát triển nhảy vọt về chất...
Tăng cường nguồn lực
Nếu năm học 2006-2007, tỷ lệ trường có phòng y tế mới đạt trên 10%, thì đến năm học 2015-2016 đã đạt 39,3%, số còn lại ghép với các phòng chức năng khác, đảm bảo có nơi đặt tủ thuốc, sơ cấp cứu học sinh. Tất cả các trường nội trú, bán trú, trường chuẩn quốc gia đều có phòng y tế riêng và hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh đó, số nhân viên YTTH được tăng cường. Năm học 2006-2007, toàn ngành mới có 176 nhân viên y tế thì năm nay đã có 732 người, trong đó có 492 cán bộ chuyên trách và 240 cán bộ kiêm nhiệm. Phần lớn đều có trình độ trung cấp y tế và được bồi dưỡng thường xuyên về công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, có khả năng tham mưu cho lãnh đạo các nhà trường và kiểm tra giám sát công tác vệ sinh trường lớp học, vệ sinh ATTP trong nhà trường.
Đồng chí Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: sở dĩ ngành giáo dục có bước phát triển nhanh trong việc nâng cao năng lực YTTH là do đã biết lồng ghép công tác xây dựng phòng y tế vào công tác tăng cường cơ sở vật chất nhà trường một cách đồng bộ. Khi công tác BHYT học sinh được nâng cao, các nhà trường đã có điều kiện mua sắm trang thiết bị, tủ thuốc, thuốc thiết yếu từ nguồn được trích lại để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh. Đến nay đã có 325 trường có tủ thuốc, 232 trường có trang thiết bị sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe. Mặt khác, ngành tăng cường tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ đủ về số lượng và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu.
Giáo viên Trường Mầm non Hữu Liên (Hữu Lũng) hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân
Nâng cao chất lượng hoạt động
Công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh là hoạt động chủ yếu của YTTH. Năm học 2014-2015 đã có 510/732 trường thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho HSSV, đạt 69,7%; trong đó khối mầm non đạt 75,5%, khối tiểu học đạt 83,46%, khối THCS đạt 60,7%.
Có sự quản lý sức khỏe, công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trong nhà trường được quan tâm. Đã có 166.834 trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm vắc-xin sởi-rubella tại 932 điểm tiêm, trong đó có 698 điểm tiêm tại các nhà trường. Số học sinh từ cấp học mầm non đến THCS được khám, tư vấn điều trị và phòng bệnh là 54.123 em; đã có trên 58 ngàn lượt học sinh THPT được tuyên truyền, tư vấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên. YTTH đã thực hiện sơ cứu và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế được 251 lượt học sinh.
Với 589 bếp ăn tập thể, công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh ATTP tại nhà trường có ý nghĩa rất quan trọng. Với trách nhiệm cao, chuyên môn tốt, đội ngũ nhân viên YTTH luôn sâu sát kiểm tra bảo đảm ATTP trong nhà trường từ khâu mua nguyên liệu đến chế biến theo quy tắc “một chiều”. Đội ngũ YTTH phối hợp tốt với ngành y tế trong kiểm tra phòng chống các bệnh học đường; phổ biến cho học sinh cách phòng chống bệnh học đường nhất là bệnh cong vẹo cột sống, bệnh mắt, răng miệng. Đến nay 100% trường tiểu học có triển khai nha học đường đã cho học sinh súc miệng bằng dung dịch Natri Fluor 0,2%.
Những việc cần phải phấn đấu
Công tác YTTH phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là sự quan tâm của người đứng đầu và trang thiết bị vật chất của nhà trường. Đến cuối năm học 2014-2015, toàn ngành mới có 294 trường có ban chăm sóc sức khỏe học sinh, điều đó chứng tỏ công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Công tác vệ sinh cá nhân, nước sạch và vệ sinh môi trường thực hiện chưa hiệu quả. Xét nghiệm mẫu nước của 215 trường, số mẫu đạt yêu cầu chỉ đạt 64,3%. Nhiều trường có điều kiện, song chưa quan tâm bố trí phòng y tế độc lập và ở vị trí hợp lý; trang thiết bị còn thiếu thốn. Còn một tỷ lệ đáng kể nhân viên YTTH kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa chuyên tâm trong chuyên môn, dẫn đến tình trạng học sinh chưa được cung cấp đầy đủ kiến thức về sức khỏe học đường.
Bài, ảnh: MINH HỒNG
Ý kiến ()