Thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng: Kiểm tra chặt, xử lý nghiêm
(LSO) – Ngày 2/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt. Sau hơn 3 năm tổ chức triển khai, việc chấp hành các quy định pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách của các nhà xe trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến rõ rệt.
Nhằm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng, Sở Giao thông – Vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát với tình hình thực tế địa phương. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện vận tải hành khách khai thác tuyến cố định Lạng Sơn – Hà Nội
Từ năm 2015 đến hết quý III/2018, Sở Giao thông – Vận tải đã chỉ đạo Thanh tra Giao thông xây dựng và ban hành 18 kế hoạch về kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách. Trong đó tập trung kiểm tra tại các bến xe, địa điểm có hiện tượng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Kết quả, trong 3 năm qua, lực lượng thanh tra sở kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 659 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hơn 400 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: hoạt động sai hành trình tuyến đã đăng ký, dừng, đón, trả khách không đúng nơi quy định, vi phạm về điều kiện kỹ thuật phương tiên, vi phạm về phù hiệu phương tiện vận tải. Ngoài ra, lực lượng thanh tra còn thành lập 5 đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với 5 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định trên địa bàn tỉnh và 1 đoàn kiểm tra việc chấp hành quy trình ra vào Bến xe phía Bắc thuộc Công ty Cổ phần Sao Vàng. Qua đó lập 4 biên bản vi phạm với số tiền xử phạt 39 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm như: thiếu tiêu chuẩn đăng ký chất lượng dịch vụ và phải niêm yết công khai; doanh nghiệp thiếu nhân viên điều hành có trình độ chuyên ngành về vận tải, an toàn giao thông và yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, công tác tuyên truyền vận động được Sở Giao thông Vận tải đặc biệt chú trọng. Thông qua tuyên truyền gắn với xử lý nghiêm vi phạm, ý thức chấp hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà xe khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã có chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, số vụ tai nạn giao thông năm 2016, 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đều giảm cả ba tiêu chí.
Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Mặc dù công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô đã có những chuyển biến tích cực nhưng trên thực tế quản lý còn nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là việc xử lý xe hợp đồng trá hình và hậu kiểm các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe ô tô. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vận tải, hiện phòng đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, điều chỉnh, bố trí các điểm dừng đón trả khách cho phương tiện vận tải phù hợp với thực tế. Đồng thời tăng cường liên kết mạng lưới vận tải bằng xe buýt giữa các bến xe vào trung tâm thành phố, từ đó tạo thuận lợi kết nối giữa xe buýt với các xe tuyến cố định.
Ngoài ra, phòng tiếp tục duy trì và tăng cường theo dõi, giám sát thông qua hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và xử lý nghiêm các xe vi phạm nhằm bảo đảm an toàn giao thông trong suốt hành trình phục vụ hành khách.
TRANG NINH
Ý kiến ()