Thực hiện các chính sách an sinh xã hội: Cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị
Đó là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học-thực tiễn: “An sinh xã hội ở nước ta: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra vào sáng 13/3, tại Hà Nội.Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng ở Trung ương phối hợp tổ chức. Báo cáo đề dẫn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Vũ Văn Phúc nhấn mạnh: Thực hiện đường lối Đổi mới trong 25 năm qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống ASXH ngày càng đồng bộ và hoàn thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. ASXH đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, góp phần hình thành xã hội không còn nhóm xã hội bị loại trừ và bảo đảm định hướng XHCN của sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ASXH ở nước...
Đó là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học-thực tiễn: “An sinh xã hội ở nước ta: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra vào sáng 13/3, tại Hà Nội.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng ở Trung ương phối hợp tổ chức.
Báo cáo đề dẫn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Vũ Văn Phúc nhấn mạnh: Thực hiện đường lối Đổi mới trong 25 năm qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống ASXH ngày càng đồng bộ và hoàn thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. ASXH đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, góp phần hình thành xã hội không còn nhóm xã hội bị loại trừ và bảo đảm định hướng XHCN của sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ASXH ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém như: giảm nghèo chưa bền vững, phân hóa giàu nghèo, phân hóa giữa các vùng miền có xu hướng mở rộng; nguồn lực để thực hiện ASXH còn hạn chế; chưa có các chính sách ASXH đặc thù và phù hợp với dân cư nông thôn và các vùng dân tộc miền núi ….Vì vậy, theo ông Vũ Văn Phúc, cần có những giải pháp trọng tâm để đổi mới, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, tập trung vào việc thống nhất và từng bước nâng cao mức độ ASXH trong toàn xã hội; ưu tiên phát triển sự nghiệp ASXH nông thôn và cho người lao động ngoài khu vực nhà nước. Đồng thời, xây dựng hệ thống bảo hiểm hưu trí nhiều tầng và nhiều trụ cột; cải cách đồng bộ, giải quyết các vấn đề bức xúc về y tế và tiếp tục thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Đưa ra những quan điểm và cách tiếp cận cần thống nhất về ASXH ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH ) Nguyễn Trọng Đàm cho rằng: Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước có thu nhập trung bình và hệ thống ASXH cần hướng tới bao phủ toàn dân. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, do những điều kiện cụ thể và những hạn chế nhất định về nguồn lực, ASXH cần phát triển theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước với mục tiêu phải cơ bản đáp ứng được nhu cầu ASXH của người dân một cách toàn diện thông qua việc Nhà nước tạo cơ chế để mọi người dân có quyền được tham gia việc làm, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), phổ cập giáo dục và hỗ trợ cho các nhóm yếu thế, các đối tượng đặc thù được tham gia các loại hình trên.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu trên, cần triển khai các nhiệm vụ đặt ra cho từng lĩnh vực cụ thể như: hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập thấp; giảm nghèo; phát triển BHXH; trợ giúp thường xuyên và bảo đảm giáo dục, y tế tối thiểu…
Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp chung gồm: phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện các chương trình, chính sách ASXH; đẩy mạnh công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân cũng như tăng cường công tác thông tin tuyền truyền về ASXH, chú trọng đến người dân tại các hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, vùng núi và dân tộc thiểu số. Mặt khác, tăng cường quản lý nhà nước về ASXH, rà soát đánh giá toàn diện các chính sách ASXH hiện hành nhằm tiếp tục thực hiện các chính sách có hiệu quả, điều chỉnh các chính sách đang còn bất cập và bổ sung một số chính sách mới….
Nhấn mạnh đến vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống ASXH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng đưa ra quan điểm: Nghị quyết Đại hội XI của Đảng định hướng tạo bước chuyển biến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ASXH, phát triển sự nghiệp BHXH, BHYT như sau: “Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong cuộc sống”. “Đổi mới và hoàn thiện đồng bộ các chính sách BHYT, khám, chữa bệnh và viện phí phù hợp; có lộ trình thực hiện BHYT toàn dân”. Vì vậy, theo ông Lê Bạch Hồng, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trên lĩnh vực BHXH, BHYT, cần đổi mới mạnh mẽ và tiến hành đồng bộ các giải pháp. Đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; đổi mới hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách ASXH. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về BHXH, BHYT, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện tốt mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT và đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ và chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức BHXH…
Các nội dung được thảo luận tại Hội thảo sẽ là cơ sở để làm rõ những vấn đề đang đặt ra và đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống ASXH, phục vụ cho công cuộc đổi mới bền vững đất nước và hội nhập sâu rộng với quốc tế trong giai đoạn mới. Đặc biệt, những ý kiến tham luận khoa học tại Hội thảo sẽ góp phần phục vụ công tác chuẩn bị nội dung Hội nghị Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về ASXH sắp diễn ra tại Hà Nội.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()