Thứ 2, 25/11/2024 10:54 [(GMT +7)]
Thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
Thứ 5, 24/01/2013 | 08:55:00 [(GMT +7)] A A
Kiểm tra ATVSTP tại chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
Chỉ còn gần 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Do vậy, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao trong dịp này, dễ dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tình trạng buôn lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc… làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm đối với người tiêu dùng.
Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về các biện pháp đã và đang triển khai nhằm bảo đảm an toàn cho thực phẩm khi cung cấp cho người dân. Nội dung như sau:
Phóng viên (PV): Đồng chí Cục trưởng cho biết ngành y tế và các cơ quan chức năng đã và đang triển khai các biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng vi phạm các quy định về ATTP trong dịp này để giúp người dân đón một cái Tết an toàn trước nguy cơ thực phẩm mất an toàn vẫn ở mức cao?
TS Trần Quang Trung: Để bảo đảm công tác ATTP, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013, Bộ Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh ATTP phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương…, các cơ quan chức năng, các địa phương tập trung triển khai một số hoạt động như: Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông nhằm huy động nhân dân, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia tích cực vào việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm ATTP, nhằm nâng cao kiến thức về vệ sinh ATTP cho người dân trong việc mua, chế biến và bảo quản thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết như: thịt, cá, rượu, bia nước giải khát, rau xanh và các cơ sở cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống…, góp phần hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh ATTP đã thành lập tám đoàn thanh tra, kiểm tra tại 24 tỉnh, thành phố trọng điểm của cả nước. Tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo và thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp. Các cuộc thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào việc phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP, đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã triển khai Tháng cao điểm về ATTP Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013, với chủ đề “Bữa ăn an toàn”, thông qua hoạt động này người tiêu dùng hiểu rõ hơn quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP, quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
PV: Tình trạng sản xuất, tiêu thụ và sử dụng rượu giả, tự pha chế không có kiểm nghiệm, không nguồn gốc xuất xứ dẫn đến tỷ lệ tử vong gia tăng rất cao trong thời gian qua. Xin Cục trưởng cho biết, Bộ Y tế sẽ triển khai những biện pháp gì để từng bước ngăn chặn tình trạng trên, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ này?
TS Trần Quang Trung: Nhằm từng bước ngăn chặn tình trạng sản xuất, tiêu thụ, sử dụng rượu giả, tự pha chế không có kiểm nghiệm, không nguồn gốc xuất xứ và hạn chế tác hại của việc sử dụng rượu không an toàn, Bộ Y tế tích cực phối hợp các bộ, ngành, UBND các cấp triển khai đồng bộ một số giải pháp, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán như: Phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, tác hại của việc lạm dụng rượu và sử dụng rượu với hàm lượng các thành phần độc tố cao. Ngành y tế đề nghị chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP, nhất là phòng, chống tác hại của việc lạm dụng rượu, cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất rượu giả, rượu lậu, rượu không bảo đảm chất lượng ATTP.
PV: Nghị định số 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực từ ngày 25-12-2012. Xin Cục trưởng cho biết, nội dung, đối tượng, hình thức xử phạt có điểm gì nổi bật so với các quy định trước đây? Liệu rằng với hình thức xử lý mới có góp phần ngăn chặn được tình trạng vi phạm ATTP?
TS Trần Quang Trung: Liên quan việc xử lý các hành vi vi phạm về ATTP, ngày 24-4-2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2005/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có một số điều 15, 17, 18 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Tuy nhiên, do những chế tài xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh ATTP được quy định tại Nghị định nói trên vẫn còn thiếu so với các quy định tại Luật ATTP năm 2010, nhất là mức phạt còn quá thấp (cao nhất là 15 triệu đồng/một hành vi vi phạm về ATTP). Nhằm khắc phục tình trạng nói trên, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP thay thế cho Nghị định số 45.
Nội dung của Nghị định lần này có một số điểm mới, chi tiết hơn so với các quy định trước đây như: Quy định các hành vi vi phạm về ATTP, từ việc sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm không an toàn; việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu không bảo đảm ATTP; việc quảng cáo, thông tin, ghi nhãn thực phẩm sai quy định… Điểm đáng lưu ý, việc nâng mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi từ 15 triệu đồng trước đây lên đến 100 triệu đồng hiện nay, theo đó, áp dụng việc phạt tiền vừa theo hành vi, vừa theo giá trị hàng hóa vi phạm, trong đó đối với một số hành vi vi phạm mức tiền phạt bằng bảy lần giá trị thực phẩm vi phạm hoặc xử phạt theo số người vi phạm, theo quy mô, phạm vi ảnh hưởng. Quy định cụ thể việc tước quyền sử dụng các loại giấy phép như: Giấy tiếp nhận công bố hợp quy, xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; giấy xác nhận đăng ký quảng cáo; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…
Vừa qua, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị định 91, cũng như phối hợp với các bộ như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Công an…, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị định cho các bộ, ngành, cũng như tăng cường việc phổ biến đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân được biết để từng bước giảm thiểu tình trạng vi phạm về ATTP thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Cục trưởng!
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()