Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Bằng đồ dùng dạy học tự làm, mỗi năm ngành GD&ĐT tiết kiệm trên 5 tỷ đồng mua sắm đồ dùng dạy học |
Ứng dụng công nghệ thông tin
Thầy Giang Tiến Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Gia cho biết: Từ năm 2012 đến nay, nhờ có phòng họp trực tuyến của cụm đặt tại trường, thời gian làm việc, chi phí đi lại tiết kiệm được rất nhiều, bởi có thể tham dự các cuộc họp trực tuyến của Sở GD&ĐT từ xa, không cần phải đi hơn 70 km đến thành phố Lạng Sơn dự họp như trước kia. Ước tính, nếu mỗi tháng 3 lần đi dự họp tại sở, chi phí đi lại, ăn nghỉ ít nhất là 2 ngày/ lần thì cũng tốn gần 1 triệu đồng. Họp trực tuyến không tốn kém tiền bạc của cán bộ cơ sở, các đơn vị lại huy động được nhiều cán bộ đến nghe và phát biểu…lợi ích nhiều mặt.
Với thế mạnh về công nghệ thông tin (CNTT), lại được sự giúp đỡ của các nhà mạng, ngành GD&ĐT là một trong những đơn vị sớm triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành và tổ chức hội nghị. Hiện nay, ngành đã có 4 phòng họp trực tuyến đặt tại các trường THPT: Chi Lăng, Lộc Bình, Văn Lãng và Bình Gia. Mỗi khi tổ chức hội nghị, hội thảo của ngành, các đơn vị trực thuộc tập trung dự theo tuyến. Do đã được kết nối mạng thông tuyến từ cấp sở đến tất cả các trường học, nên việc gửi công văn, giấy tờ, dữ liệu, tài nguyên phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy qua mạng mang lại sự thuận tiện rất cao. Theo tính toán của Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD&ĐT, với 739 đơn vị trường, hơn 20 đầu mối tại các huyện, hội nghị trực tuyến đã tiết kiệm được từ 2 đến 3 tỷ đồng mỗi năm, số cán bộ được tham dự hội nghị tăng từ 2 đến 3 lần; chỉ đạo điều hành qua mạng, về giấy in, phí gửi qua đường bưu điện, mỗi năm ngành cũng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, ngành đang khảo sát và chuẩn bị lắp đặt thiết bị cho 6 phòng họp trực tuyến tại một số đơn vị. Đến đầu năm 2017, khi các phòng họp trực tuyến này đi vào hoạt động, mức độ tiết kiệm tiền bạc và thời gian sẽ còn lớn hơn.
Nâng cao nhận thức
Hằng năm, khi triển khai nhiệm vụ năm học mới, ngành chú trọng chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào giảng dạy ngoại khóa, hoặc tích hợp trong các bộ môn như đạo đức, giáo dục công dân…để dần hình thành ý thức phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm cho học sinh, sinh viên (HSSV). Quan trọng hơn, việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên thông qua các chuyên đề của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và học tập quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nhà nước được thực hiện thường xuyên và có sức lan tỏa tốt đến HSSV. Ở đây, vị trí, vai trò và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định. Thầy Hồ Công Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Bình nói rằng: Từ việc lớn như tiết kiệm chi từ hội nghị, hội thảo, hội trường… đến việc nhỏ như thực hiện quy định về tắt điện khi ra khỏi phòng, không mở điều hòa khi thời tiết không quá nóng, quá rét…phải được người đứng đầu thực hiện trước; tức là “nói và làm” phải đi đôi với nhau mới mang lại sức thuyết phục cho đội ngũ giáo viên và học sinh.
Phòng chống tham nhũng, lãng phí của ngành GD&ĐT còn ở sự kiểm soát cán bộ. Luân chuyển cán bộ, nhân viên kế toán, tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị được coi là giải pháp chủ động. Từ năm 2012 đến nay, ngành đã luân chuyển trên 600 lượt cán bộ chủ chốt các đơn vị, nhà trường; thanh tra hành chính và lồng ghép với thanh tra chuyên môn được 30 đợt, kiểm tra hàng ngàn lượt đơn vị với các nội dung về quy chế chuyên môn, chi tiêu nội bộ, thu chi các khoản ngoài ngân sách… Những giải pháp đó đã có tác dụng răn đe, phòng chống có hiệu quả tham nhũng, đẩy mạnh phong trào thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Là một ngành chiếm ¾ tổng số cán bộ, viên chức toàn tỉnh; học sinh chiếm trên 25% dân số; lại được giao quản lý một khối lượng cơ sở vật chất rất lớn của xã hội, mỗi một động tác thực hành tiết kiệm của đội ngũ và của HSSV mang lại hiệu quả rất lớn cho tiết kiệm xã hội. Ví dụ việc phát động tự làm đồ dùng học tập, mỗi năm ngành GD&ĐT đã tiết kiệm được trên 5 tỷ đồng kinh phí mua sắm. Việc giáo dục ý thức phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành sẽ có sức lan toả, mang lại hiệu ứng xã hội lớn.
Ý kiến ()