Thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU
Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam đạt kết quả rất tích cực, với kim ngạch khoảng 150 tỷ USD. Đóng góp vào thành công này có thị trường EU, với kim ngạch xuất khẩu đạt 27,9 tỷ USD. Tuy nhiên, với thị trường này, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tận dụng những thuận lợi từ Hệ thống Ưu đãi phổ cập chung (GSP) của EU.
Năm 2014, tuy nền kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, cầu tiêu dùng nhìn chung còn yếu, nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tăng cao so với các năm trước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 vào EU đạt 27,9 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm trước. EU là thị trường nước ngoài lớn cho các mặt hàng của Việt Nam, đã tiêu thụ hàng hoá với giá trị khoảng 18,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước. EU cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Đặc biệt, xuất siêu của Việt Nam sang EU đã đóng góp phần lớn giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại toàn cầu sau hơn hai thập kỷ thâm hụt thương mại liên tiếp. Xét trên tổng thể, năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu lên tới 19 tỷ USD vào thị trường EU.
Điểm đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng lợi từ Hệ thống Ưu đãi phổ cập chung (GSP) của EU, một nhân tố góp phần vào kết quả xuất khẩu ấn tượng của Việt Nam những năm qua. Mục đích của GSP là nhằm thúc đẩy xuất khẩu từ các nước đang phát triển vào khu vực thông qua hỗ trợ cắt giảm thuế quan. Đặc biệt, tháng 10/2012, EU đã công bố quy chế GSP mới, trong đó, cho phép các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: giày dép… được hưởng mức thuế ưu đãi tốt hơn khi Quy chế này có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU tập trung vào các sản phẩm sử dụng nhiều lao động như: Hàng lắp ráp điện tử, điện thoại, giày dép, dệt may, cà phê, hải sản và đồ nội thất, trong khi mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của EU sang Việt Nam bao gồm các sản phẩm công nghệ cao như: Máy hơi và sản phẩm cơ khí, máy móc và thiết bị điện, dược phẩm và xe cộ.
Hệ thống Ưu đãi phổ cập chung của EU dành cho các nước đang phát triển đã có từ năm 1971. Ngày 25/10/2012, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu đã ban hành Quy định số 978/2012, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 và thực hiện trong 10 năm tới, thay thế Chương trình GSP thực hiện theo Quy định số 732/2008 đã hết hiệu lực từ 31/12/2013. Quy chế GSP mới của EU có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam và được các doanh nghiệp xuất khẩu rất quan tâm. Hệ thống GSP năm 2014 có nhiều điểm mới, trong đó giảm số nước được hưởng GSP chỉ còn 90 nước, thay vì 177 nước như Hệ thống GSP cũ (giảm 87 nước). Theo phân loại thu nhập mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện được coi là nước có thu nhập trung bình thấp, do đó, nằm trong diện được hưởng GSP tiêu chuẩn.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có trong danh mục các mặt hàng được hưởng GSP như: Hàng dệt may, giầy dép, đồ gỗ, rau quả, thực phẩm chế biến… Tuy nhiên, đa số các mặt hàng này đều trong diện nhạy cảm (S), nên chỉ được giảm thuế nhập khẩu. Đặc biệt, các mặt hàng dệt may, nông sản, thủy sản còn phải tuân theo các điều khoản phòng vệ và giám sát khá chặt chẽ của EU đối với số lượng nhập khẩu. Theo Hệ thống GSP cũ, một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, như: da giầy bị đưa vào danh mục “trưởng thành (graduation)”, tức là đã xuất khẩu sang EU chiếm tỷ lệ cao nên không được hưởng GSP. Tuy nhiên, mới đây, theo quyết định của Ủy ban châu Âu, mặt hàng giày dép của Việt Nam ra khỏi danh sách các mặt hàng “trưởng thành” của EU. Như vậy, từ ngày 1/1/2014, các mặt hàng giầy dép và túi xách của Việt Nam đã được hưởng quy chế GSP tiêu chuẩn với mức thuế 0% đối với hàng không nhạy cảm và giảm thuế 3,5% đối với hàng nhạy cảm. Hiện, Việt Nam nằm trong top 5 nước sản xuất và xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới. Việc một số mặt hàng của Việt Nam được hưởng Quy chế GSP mới đã góp phần quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước khác xuất khẩu vào EU.
EU gồm 28 quốc gia, mỗi quốc gia có một đặc điểm tiêu dùng riêng. Thị trường EU có nhu cầu rất đa dạng và phong phú về hàng hoá. Tuy có những khác biệt nhất định về tập quán và thị trường tiêu dùng giữa các thị trường quốc gia trong EU, nhưng các quốc gia này đều nằm trong khu vực Tây và Bắc Âu nên có những đặc điểm tương đồng về kinh tế và văn hoá. Trình độ phát triển kinh tế – xã hội của các thành viên là khá đồng đều nên người dân thuộc khối EU có đặc điểm chung về sở thích, thói quen tiêu dùng. Hàng hoá được nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo đầy đủ về chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã vệ sinh an toàn cao. Từ những đặc điểm chung trên, khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt được nhu cầu của từng thành viên trong EU, cũng như tìm hiểu những quy định của từng thị trường để có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam – EU, hai bên đã chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (FTA) vào tháng 6/2012 và đến nay đã đạt được những thành tựu đáng kể. Vòng đàm phán thứ 6 diễn ra vào tháng 1/2014. Dự kiến, Hiệp định này sẽ được ký kết vào năm 2015. Đây được coi là cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa EU và Việt Nam về cơ hội tiếp cận thị trường cho cả hai bên. Điều này cũng sẽ góp phần tạo nên một bước đệm để tăng cường quan hệ thương mại giữa EU và khu vực, đóng góp vào tiến trình tự do hóa hơn nữa thương mại quốc tế.
Tuy năm 2014, Việt Nam đã được hưởng lại chính sách ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU, nhưng theo quy định, hàng hóa phải chịu sự xét duyệt 3 năm một lần, đồng thời, các hạng mục được ưu đãi luôn có sự thay đổi, do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng chuẩn bị tâm lý cho việc hàng hóa của mình không còn nằm trong danh mục được hưởng GSP. Việc nâng cao năng lực cập nhật thông tin không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thị trường, ngành hàng, mà còn đóng vai trò quan trọng về cải thiện những vấn đề tuân thủ pháp lý, quy định tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của thị trường EU.
Theo CPV
Ý kiến ()