Thúc đẩy xuất khẩu để kiềm chế nhập siêu
Với trách nhiệm là một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã nhanh chóng quán triệt, triển khai nghị quyết này bằng những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tới tất cả các đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Vinatex nhận thức rõ, việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP chính là góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch năm 2011 của Tập đoàn cũng như tạo tiền đề cho việc xây dựng, triển khai kế hoạch năm 2012.Đẩy mạnh xuất khẩuTại Nghị quyết số 11/NQ-CP, rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại các dự án đầu tư, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ giao cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp (DN) nhà nước thực hiện. Triển khai nội dung này, Vinatex đã nhanh chóng rà soát toàn bộ danh mục các dự án đầu tư của Tập đoàn. Với những dự án trong lĩnh vực dệt, nhuộm có vốn đầu tư cao,...
Đẩy mạnh xuất khẩu
Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại các dự án đầu tư, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ giao cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp (DN) nhà nước thực hiện. Triển khai nội dung này, Vinatex đã nhanh chóng rà soát toàn bộ danh mục các dự án đầu tư của Tập đoàn. Với những dự án trong lĩnh vực dệt, nhuộm có vốn đầu tư cao, tỷ suất lợi nhuận/vốn dưới 20%, Tập đoàn quyết định tạm hoãn, chờ đến khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Trong khi đó, những dự án trong lĩnh vực may, sợi có tỷ suất lợi nhuận/vốn đạt hơn 20% và đã ký kết với khách hàng (có thời hạn dưới 6 tháng) thì được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đây được coi là những dự án đầu tư mở rộng quan trọng, thực hiện nhiệm vụ cốt lõi là thúc đẩy xuất khẩu của ngành dệt may, nhất là đáp ứng nhu cầu sản xuất các đơn hàng lớn.
Đặc biệt, việc triển khai những dự án may tại các vùng nông thôn sẽ giúp DN giải quyết tình trạng thiếu lao động tại các nhà máy ở các thành phố lớn, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, những dự án này cũng sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, nhờ đó hạn chế sự di dân từ nông thôn ra các thành phố lớn, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Hơn thế, dự án triển khai hiệu quả cũng sẽ đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương cũng như bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Nguồn vốn để triển khai các dự án may này hầu hết đã được các DN chủ động đàm phán huy động từ khách hàng đặt hàng xuất khẩu và vốn tự có của DN, không sử dụng vốn vay ngân hàng.
Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các DN trong Tập đoàn, với vai trò là hạt nhân, Vinatex nắm bắt kịp thời thông tin thị trường để dự báo cung, cầu nguyên liệu đầu vào cũng như nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN. Cơ quan điều hành của Vinatex chỉ đạo các ban chức năng thống kê hàng tồn kho, có biện pháp phân bổ nội bộ, giảm nhu cầu vốn nhập vật tư, nguyên liệu. Các DN tăng cường liên kết, hợp tác trong chuỗi cung ứng để cùng nhau vượt qua giai đoạn nền kinh tế đầy biến động này. Tăng cường hợp tác với ngành dệt may các nước ASEAN, đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng toàn diện dệt may, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.
Ba tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may của toàn ngành đạt 2.795 tỷ USD, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan để toàn ngành có thể hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 13,2 tỷ USD, tiếp tục trở thành ngành xuất khẩu dẫn đầu cả nước.
Phát triển nguyên, phụ liệu trong nước
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm dệt may là mục tiêu mà các DN trong Tập đoàn hướng tới thông qua việc thực hiện chương trình đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước để thay thế hàng nhập khẩu. Đây là giải pháp quan trọng cùng các ngành, các cấp thực hiện kiềm chế nhập siêu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc chủ động nguyên, phụ liệu trong nước còn giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, một loạt các dự án đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu được Tập đoàn đẩy mạnh triển khai như dự án hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) xây dựng nhà máy kéo sợi 60 nghìn cọc tại Khu công nghiệp Hòa Xá (Nam Định), 30 nghìn cọc tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng; dự án nhà máy kéo sợi 40 nghìn cọc tại Công ty dệt Nha Trang do Tổng công ty Phong Phú đầu tư; dự án hai nhà máy sợi mỗi nhà máy 60 nghìn cọc tại Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) do Tổng công ty cổ phần dệt Hà Nội (Hanosimex) đầu tư và cùng Vinatex đầu tư hai nhà máy kéo sợi có tổng cộng 60 nghìn cọc tại Cụm công nghiệp Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Vinatex, Hanosimex, PVN cũng đang triển khai dự án đầu tư nhà máy 50 nghìn cọc sợi tại Cụm công nghiệp dệt may Nam Đàn (Nghệ An); Công ty CP Phát triển và Đầu tư Thiên Nam đầu tư xây dựng nhà máy kéo sợi 35 nghìn cọc tại Khu công nghiệp Bình An (Bình Dương)… Đối với các dự án kéo sợi, cần đầu tư vốn lớn, Vinatex khuyến khích các DN tìm nguồn vốn đầu tư từ hợp tác, từ các DN di dời khỏi các trung tâm thành phố, vốn tự có… Hiện Vinatex cũng đã lên kế hoạch đầu tư về các tỉnh vùng sâu, vùng xa tại phía nam 300 dây chuyền may, giải quyết cho hơn 15.000 lao động.
Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện các dự án nêu trên, Tập đoàn tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi của toàn ngành là đầu tư phát triển sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước. Ngoài ra, Tập đoàn còn tập trung đầu tư mô hình trồng bông trang trại có tưới tại tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận nhằm tăng diện tích trồng bông lên gấp ba lần vào năm 2012, đạt 300 ha.
Ngay từ những tháng đầu năm, các DN dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự biến động giá cả nhiều nguyên, phụ liệu trên thế giới, tỷ giá tăng, lãi suất ngân hàng cao, chi phí vận chuyển, điện, nước tăng… đã tạo áp lực không nhỏ cho các DN. Trong bối cảnh đó, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, đổi mới phương thức quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất được coi là một trong những giải pháp hàng đầu cần thực hiện. Vinatex đã chỉ đạo các DN triển khai quyết liệt các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí. Tạm dừng trang bị mới ô-tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng và các tài sản có giá trị lớn. Hội nghị, sơ kết, tổng kết, được triển khai bằng hình thức giao ban trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, ăn ở. Triển khai chương trình tiết kiệm điện năng, mỗi DN tiết kiệm 10%-15% điện năng trong sản xuất và tiêu dùng bằng việc bố trí hợp lý quy trình sản xuất để tiết kiệm năng lượng. Các DN may triển khai sâu rộng phương pháp quản lý công nghệ LEAN trong sản xuất. DN dệt, nhuộm tiếp tục tổ chức lại sản xuất để quản lý công nghệ và phương pháp sản xuất tiên tiến hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, trên cơ sở đó có điều kiện cải thiện tiền lương và phúc lợi cho người lao động… Đẩy mạnh triển khai các chương trình phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, trong đó tập trung phương pháp quản lý điều hành sản xuất và công tác thiết kế mẫu mã mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()