Thúc đẩy XK hoa quả chính ngạch từ doanh nghiệp
Dù là nước nhiệt đới phong phú bậc nhất về các loại hoa quả nhưng các mặt hàng rau quả Việt Nam chưa thể vươn xa. Lý do cơ bản vì đây là những sản phẩm tươi sống khó bảo quản; cùng với đó yêu cầu của các thị trường nhập khẩu (NK) cho giá trị cao thường rất khắt khe.
Vải thiều sấy khô – một cách chế biến tăng giá trị cho quả vải |
Để có bước đi xa hơn cho ngành hàng này cần có sự vào cuộc nhiệt tình của doanh nghiệp (DN), hơn hết là sự sẵn sàng vào cuộc của DN để có những vùng nguyên liệu lớn, các nhà máy chế biến sau thu hoạch có giá trị cao hơn cho trái cây.
Từ câu chuyện vải thiều
Chỉ riêng tỉnh Bắc Giang vụ vải thiều năm 2018 đã đạt sản lượng trên 200 nghìn tấn, doanh thu của vụ vải này cũng lên đến trên 5000 tỷ đồng. Không hẳn là vụ mùa cho sản lượng cao nhưng người dân vẫn được “bội thu” đích thực bởi giá trị của vải thiều đã tăng cao hơn trước khi quả vải được cấp phép xuất khẩu (XK) chính ngạch rất nhiều.
Thắng lớn từ vụ vải thiều 2018, theo nhận định của nhiều thương lái có nghề, có hai lý do lớn là quả vải được nhập chính ngạch, thủ phủ vải thiều lại sát biên giới với Trung Quốc nên thương lái nước bạn dễ thu mua.
Thứ hai, do nhiều loại trái cây cùng mùa khác chưa được nhập chính ngạch nên người mua đổ dồn mua vải, vừa đúng vụ cho trái ngon lại thuận tiện thông thương về thủ tục. Trong thắng lợi này, người ta vẫn nhìn ra nhiều bất cập của việc thông thương với trái vải.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch công ty Cổ phần Bagico, một thương lái lâu năm có kinh nghiệm giao thương tại thị trường Trung Quốc nhìn nhận: “Muốn chủ động thị trường thì nông sản chỉ nên bán tươi 40% sản lượng vụ trung bình, là loại đẹp nhất ngon nhất. Còn lại phải phát triển bảo quản chế biến sau thu hoạch”.
Ngay tại Bắc Giang, phát triển giá trị cho trái vải còn có thể gia tăng nhiều hơn nữa nếu có thêm các nhà máy chế biến các sản phẩm như vải sấy, nước ép vải… chứ không phải một năm chỉ một, hai tháng nhộn nhịp rồi thôi.
Cũng chính vì chỉ dồn lại trong thời gian chính vụ ngắn ngủi của vải tươi nên nhiều bất cập trong thu mua cũng diễn ra “thành lệ”, dù biết thiệt nhưng dân cũng chẳng kịp kêu vì sợ nhanh qua mùa. Đó là lệ “trừ lùi” khi cân vải. Có khi trừ lùi cả chục kg/sọt vải.
Trong khi chủ hàng Trung Quốc chốt giá theo kg đóng thành thùng lên xe sau khi đã tính toán toàn bộ chi phí trung gian (công mua hàng, đóng hàng, lên xe, chi xe , bến bãi, thùng xốp, đá, băng dính..).
Việc trừ lùi xuất hiện do trước đây có những trái vải xấu hoặc nhiều chùm có cuống, có lá nhiều nhưng hiện nay chất lượng vải khá đồng đều và đẹp mã nhưng người dân vẫn bị trung gian của thương lái trừ lùi. Để giảm được điều này không có con đường nào khác là phải áp dụng 4.0 để kết nối trực tiếp cung – cầu, minh bạch lý lịch sản phẩm và hỗ trợ tối đa cho công ty đủ mạnh làm khâu trung gian, quản lý thị trường đúng pháp luật, thì mới có thể thay đổi được chuỗi giá trị nông sản.
Dẫu còn bất cập nhưng việc khơi thông con đường chính ngạch đã giúp vải thiều có được giá trị cao hơn và tương lai thị trường bền vững hơn. Còn nhiều loại hoa quả khác số phận vẫn còn khá bấp bênh khi lượng vẫn tăng nhưng thị trường thì còn khá mờ mịt.
Mới đây, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7 XK hàng rau quả đạt 247,3 triệu USD, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, XK sang Trung Quốc – thị trường hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 7 giảm 44,2% khi đạt 144,2 triệu USD. Tính lũy kế 7 tháng, XK sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là thị trường có mức giảm mạnh nhất trong top 10. Đây là dấu hiệu cho thấy chính sách đưa NK rau quả vào chính ngạch được thực hiện triệt để hơn.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đưa ra dự báo, XK hàng rau quả những tháng cuối năm 2019 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng đưa ra các tiêu chí khắt khe trong xuất nhập khẩu nên nếu không thay đổi cách làm thì xuất khẩu sang thị trường này vẫn khó cải thiện.
Hoa quả Việt đa dạng theo mùa còn dư địa rất lớn để xuất khẩu |
Cần sự sẵn sàng từ DN
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Trong tương lai, những quy định mà phía Trung Quốc đặt ra chắc chắn còn khó khăn hơn. Vì vậy, điều mấu chốt là DN Việt Nam cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc; thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn thực phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý – DN – người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Hiện nay, hoa quả XK sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng hàng loạt các quy định như: Phải đáp ứng các yêu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm (Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm); đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc; các đơn vị NK phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng, có nhãn mác; sản phẩm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bao gói, đảm bảo điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng có hại. Đặc biệt, từ ngày 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm NK vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước XK cấp cho các lô hàng.
Từ phía DN cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần có những chuyển biến về cách thức quản lý thị trường để tạo một thị trường minh bạch hơn, thuận lợi cho các DN hoạt động bền vững không chụp giật. Cụ thể cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn đối với các sản phẩm làm trái quy hoạch, không thể vì tính thời vụ mà ưu ái việc thu mua kinh doanh tự do không đúng qui định của luật pháp .
“Không có đăng ký kinh doanh thì nhất định không được phép thu mua, bán hàng. Không đủ tiêu chuẩn mã vùng, mã xưởng nhất định không được phép lưu thông hàng hoá, có như thế mới công bằng với các ngành nghề khác, mới thu hút được các doanh nghiệp phân phối lớn tham gia thị trường”, bà Nguyễn Thị Thành Thực nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, có 9 loại quả của Việt Nam đã được XK chính ngạch sang Trung Quốc. Toàn quốc có 1.300 mã số vùng trồng và trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói được cấp.
Hiện nay, với trái cây XK chính ngạch sang Trung Quốc, các yêu cầu về cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số. Trung Quốc chỉ thông qua mã số chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác. “Tuy nhiên, khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt. Điều này, phía Cục Bảo vệ thực vật đã cảnh báo tất cả các tỉnh, đừng nghĩ cấp xong là xong”, ông Dương nêu ý kiến.
Theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, hiện nay dù XK rau quả vào thị trường Trung Quốc có giảm tốc nhưng đây chỉ là bước giảm tạm thời. Trung Quốc vẫn là thị trường hấp dẫn. Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy XNK giữa 2 nước tiếp tục tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp mong muốn các DN phải chuyển đổi dần tư duy, nên hướng đến việc XK hoàn toàn theo đường chính ngạch, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()