Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Giống nho Cự Phong và Tảo Hồng trồng tại gia đình ông Hoàng Văn Ba, thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn |
Vụ đông xuân năm 2015 – 2016, xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ chương trình XDNTM (350 triệu đồng) trồng khoai tây, ứng dụng phương pháp trồng khoai tây thương phẩm năng suất cao với quy mô 11 ha. Kết quả cả vụ cho tổng sản lượng 170 tấn, giá trị 1.122 triệu đồng; trừ chi phí, gần 100 hộ dân lãi trên 620 triệu đồng. Chị Lường Thị Hạnh, thôn Tằm Lịp cho biết: “Nhà tôi trồng 4 sào khoai tây thương phẩm. Trong quá trình tham gia dự án, tôi áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật trồng mà cán bộ hướng dẫn nên khoai tây phát triển rất tốt. Hết vụ, trừ chi phí, tôi lãi hơn 10 triệu đồng”.
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dân hưởng lợi từ các dự án KH&CN kết hợp với chương trình XDNTM. Theo tổng hợp từ Sở KH&CN, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 đề tài, dự án KH&CN liên quan đến nông nghiệp, nông thôn được triển khai. Trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng và giá trị cao nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng trong lĩnh vực nông – lâm – nghiệp, thủy sản; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của nông dân. Tiêu biểu trong số này là dự án sản xuất giống hồng không hạt Bảo Lâm bằng phương pháp ghép mắt; sản xuất giống ngô lai F1, lạc, đỗ tương năng suất cao; xây dựng dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Na Chi Lăng”; nghiên cứu cải tạo rừng hồi năng suất thấp; xây dựng thương hiệu quýt Bắc Sơn; mô hình sản xuất nấm hàng hóa, rau an toàn.
Về lâm nghiệp, ngành đã chuyển giao quy trình công nghệ và các quy trình, mô hình lâm sinh đến nông dân như: mô hình đường băng cây xanh cản lửa phục vụ phòng, chống cháy rừng tại huyện Lộc Bình; kỹ thuật phòng các loại sâu róm hại thông tại huyện Đình Lập; trồng một số giống bạch đàn giống mới năng suất, chất lượng cao tại huyện Hữu Lũng… Trong chăn nuôi, thủy sản có các đề tài, dự án: ứng dụng công nghệ lai giống để tăng số lượng và cải thiện chất lượng đàn bò; phát triển chăn nuôi lợn lai ba máu, cá tầm thương phẩm, cá lăng chấm, lươn sinh sản… Về công nghệ sinh học có các đề tài, dự án: ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chuồng trại chăn nuôi; ứng dụng công nghệ sinh học nghiên cứu phân hữu cơ vi sinh từ than bùn để bón cho các loại cây trồng.
Bà Nông Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Năm 2016, huyện có 3 xã điểm XDNTM giai đoạn 2016-2020 được cấp kinh phí mỗi xã 350 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để thâm canh, chăn nuôi một số loại cây trồng, vật nuôi. Cụ thể là mô hình chăn nuôi đại gia súc quy mô 70 con trâu tại xã Đại Đồng; phát triển cây ăn quả quy mô 6,8 ha tại xã Tri Phương; trồng quế với quy mô trên 48 ha tại xã Cao Minh. Các mô hình chủ yếu có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan đến lĩnh vực KH&CN để hướng dẫn nông dân áp dụng vào sản xuất.
Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết: Từ nay đến năm 2020, việc ứng dụng KH&CN được đẩy mạnh. Các đề tài, dự án sẽ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp nhằm tăng hiệu quả và thu nhập của nông dân; đẩy mạnh xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Trước mắt các dự án, đề tài như sản xuất chế biến máy sấy hồi, chăn nuôi gà 6 ngón, diệt trừ sâu róm hại thông… đã và đang được xúc tiến thực hiện. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()