Thúc đẩy và củng cố quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan
Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đến Thái Lan và đồng chủ trì kỳ họp của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược.
Chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến Thái Lan trong các ngày từ 10-12/4 và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan (JCBC-5) có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy và củng cố quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung và hợp tác giữa hai bộ ngoại giao nói riêng, tạo tiền đề vững chắc nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Đây là khẳng định của Đại biện lâm thời tại Thái Lan Bùi Thị Huệ trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bangkok chiều 9/4.
Đại biện Bùi Thị Huệ cho biết chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan (2013-2023) với nhiều hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa thiết thực, trong đó có chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Thái Lan vào tháng 12/2023 với nhiều kết quả thực chất.
Trong những năm vừa qua, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã được củng cố, phát triển nhanh chóng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực với niềm tin chính trị sâu sắc, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư và an ninh-quốc phòng là những điểm sáng nổi bật.
Hai bên đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược vào tháng 6/2013 và ra tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Tăng cường vào tháng 7/2015.
Hai nước cũng đã cùng nhau xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Tăng cường giai đoạn 2022-2027, làm cơ sở vững chắc nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực then chốt.
Đại biện Bùi Thị Huệ nhấn mạnh phía Thái Lan tôn trọng và mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc duy trì các hoạt động tiếp xúc cấp cao và các cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước.
Thái Lan cũng coi trọng vai trò của Việt Nam trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ủng hộ nhiều sáng kiến của Việt Nam ở các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Về thương mại, Thái Lan vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 19 tỷ USD vào năm 2023.
Trong lĩnh vực đầu tư, Thái Lan cũng là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, với 750 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 14 tỷ USD. Thái Lan đứng thứ 9 trong số 144 quốc gia có đầu tư tại Việt Nam và thứ 2 trong số các nước ASEAN có đầu tư vào Việt Nam.
Hợp tác trên các lĩnh vực khác như an ninh-quốc phòng, văn hóa, giáo dục...cũng đạt được nhiều kết quả thực chất.
Tựu chung lại, quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan không chỉ đa chiều mà còn rất chặt chẽ.
Đại biện Bùi Thị Huệ cũng cho biết trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan (JCBC-5), hai bên sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư và an ninh-quốc phòng trên cơ sở Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027.
Hai bên cũng sẽ thảo luận việc triển khai cụ thể sáng kiến "3 kết nối" trên cơ sở bảo đảm lợi ích và cùng có lợi, tập trung vào các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn với mục tiêu kết nối chặt chẽ hai nền kinh tế nhằm hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần “cùng phát triển và cùng có lợi.”
Đặc biệt, cuộc họp cũng sẽ thảo luận các nội dung để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tới Việt Nam và đồng chủ trì kỳ họp Nội các chung lần thứ 4 Việt Nam-Thái Lan trong thời gian sắp tới.
Đại biện Bùi Thị Huệ khẳng định với sự tăng cường liên tục trong nhiều lĩnh vực hợp tác, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đang trên đà phát triển tốt, với nhiều tiềm năng trong tương lai./.
Ý kiến ()