Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm Tết Nguyên đán
Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, dự báo nguồn cung nông sản, thực phẩm tăng mạnh. Mặc dù, nhu cầu trong nước tăng từ 15-20%, tùy từng sản phẩm nhưng khả năng tiêu thụ hết lượng sản phẩm với mức giá cao cũng không dễ dàng do vụ thu hoạch tập trung vào một thời gian ngắn, trong khi xuất khẩu sang thị trường chính Trung Quốc đang gặp rất nhiều trở ngại.
Trước tình hình đó, sáng 25/12, Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức phiên kết nối cung-cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, hướng đến thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nguồn cung tăng mạnh
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Phạm Văn Duy cho biết: Nguồn cung nông sản dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 hiện tăng cao so cùng kỳ năm ngoái, do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt hiệu quả cao nhất. Thực tế, tại các địa phương trên cả nước, hầu hết các nông sản đều đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Lê Quốc Điền, tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hoa quả đặc sản như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh cho dịp Tết. Dự kiến, tổng sản lượng trái cây trong tháng 1/2022 khoảng 22.000 tấn; tháng 2/2022 là 35.000 tấn. Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn có nhiều loại rau, củ với sản lượng hơn 3.000 tấn. Những sản phẩm OCOP và sản phẩm chế biến sâu như trà, trái cây sấy…, cũng được đưa ra thị trường với sản lượng lớn.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Văn Mấy cho biết: Hiện, tỉnh đang tìm đầu ra cho một số sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực có thế mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, như: 500 tấn mít Thái, 3.000 tấn chuối Nam Mỹ, gần 300 tấn mãng cầu na, 100 tấn dưa lưới, 80 tấn bưởi da xanh, 10 tấn na hoàng hậu. Các sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ có nhiều biến động cho nên tỉnh mong muốn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, các chủ thể OCOP quảng bá, giao thương trực tiếp với các hệ thống phân phối, siêu thị trên cả nước, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.
Còn tại các tỉnh phía bắc như: Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang…, nhiều loại rau củ đặc sản cũng cho sản lượng lớn dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, cần lên kế hoạch tiêu thụ sớm trong điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến lưu thông tiêu thụ hàng hóa.
Ngoài các sản phẩm trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi dự kiến nguồn cung cũng tăng mạnh dịp cuối năm. Theo ông Phan Văn Lục, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, trong những năm qua ngành chăn nuôi gia cầm đã phát triển nhanh chóng (12%/năm). Hiện, số lượng đã vượt 500 triệu con, sản lượng thịt đạt hơn 1,7 triệu tấn/năm. Do đó, dịp Tết Nguyên đán này, nguồn cung không đáng lo ngại nhưng vấn đề tiêu thụ thì cần lên kế hoạch sớm, tránh hiện tượng tồn hàng, mất giá. Hiệp hội đang tổ chức liên kết với 222 cơ sở sản xuất, 74 doanh nghiệp, cơ sở thành viên, bảo đảm sản xuất trứng gia cầm các loại và thịt gia cầm chế biến.
Đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu
Thực tế, nông sản của Việt Nam hiện bán ra thị trường đều dưới hình thức sản phẩm thô, tươi mà rất ít sản phẩm chế biến sâu. Chính điều này đã gây áp lực lên khâu tiêu thụ do sản phẩm tươi có thời gian bảo quản ngắn, nhất là rau, củ, quả. Do đó, đẩy mạnh khâu chế biến sơ, chế biến sâu phải là ưu tiên hàng đầu, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19. Tình trạng hàng nghìn xe nông sản của nhiều địa phương trên cả nước đang ùn tắc tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Trung Quốc siết chặt các quy định kiểm soát an toàn dịch bệnh đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về việc không thể phụ thuộc quá lớn vào việc xuất hàng tiểu ngạch mà phải chuyển sang chính ngạch. Đồng thời phải có kế hoạch cho việc gia tăng sản phẩm chế biến, không thể mãi chở hàng tươi lên biên giới chờ thông quan để luôn phải đối diện với nguy cơ hàng ùn ứ, hư hỏng phải vứt bỏ, dẫn đến thiệt hại cho cả nông dân và doanh nghiệp.
Đề xuất giải pháp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung Anh (tỉnh Thái Nguyên), Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Công ty hiện có 10 ha làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, với sản phẩm chính là hoa lan Hồ điệp và dưa lê, dưa lưới. Công ty mong muốn liên kết với bà con nông dân hình thành chuỗi sản xuất trên cơ sở cung cấp giống, sau đó sẽ thu mua, bao tiêu 100% sản phẩm. Còn như hiện nay, bà con nông dân chỉ thiên về đầu tư sản xuất mà chưa có điều kiện bảo quản, sơ chế, chế biến sâu, nên đến vụ thu hoạch rộ, giá bán rất rẻ.
Bên cạnh đó, hình thức tiêu thụ cũng cần linh hoạt hơn. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Vũ Thị Hậu, các doanh nghiệp cần cập nhật công nghệ mới nhất, đẩy mạnh việc bán hàng qua các kênh trực tuyến trong bối cảnh việc mua hàng trực tiếp đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Các địa phương cũng cần hỗ trợ hợp tác xã, người dân nâng cấp phương tiện sản xuất, bán hàng để thích nghi tình hình mới. Đối với những đặc sản của địa phương như cá tầm, cá hồi Lào Cai cần sớm tính đến phương án đưa vào tiêu thụ trong các siêu thị bởi hiện nay, với những sản phẩm này, các siêu thị vẫn chủ yếu bán hàng nhập khẩu, rất lãng phí nguồn hàng trong nước.
Ngoài các loại nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, thời gian tới, các bộ, ngành chức năng cần thúc đẩy trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để mở cửa thị trường đối với các sản phẩm khác như: khoai lang, bưởi, na, dứa, thảo quả…, nhằm sớm hình thành kênh xuất khẩu hàng hóa đa dạng, ổn định và bền vững.
Ý kiến ()