Thúc đẩy tiêu dùng để phục hồi tăng trưởng
Trường đại học Kinh tế quốc dân và Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” và công bố ấn phẩm Ðánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023. Thông tin từ hội thảo cho thấy, kinh tế Việt Nam năm nay tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi có nhiều giải pháp kích thích tăng tổng cầu để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Cho rằng 2023 là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam thời gian gần đây do phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn từ bối cảnh quốc tế, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định mức tăng trưởng 5,05% của Việt Nam năm 2023 vẫn còn kém hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Một phần nguyên nhân là do sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện.
Cụ thể, tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản lần lượt tăng 3,52% và tăng 4,09%, giảm mạnh so với mức tăng 7,09% và 5,40% năm 2022. Cả hai chỉ tiêu này đều chưa thể quay trở lại được mức tăng trưởng tương đương như trước khi đại dịch xảy ra và thấp hơn mức tăng trưởng chung (5,05%). Do đó, tăng trưởng GDP năm 2023 chủ yếu đến từ chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh, với mức thâm hụt ít hơn năm trước (xuất khẩu giảm 2,54% trong khi nhập khẩu giảm 4,33%). Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ngành cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
|
GS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, với những cơ hội và thách thức hiện nay, kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn chủ yếu dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, nhất là đầu tư công; tiêu dùng; xuất khẩu.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại vào năm 2023 và đã phục hồi dần nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy sự phục hồi không đồng đều vào đầu năm 2024. Nền kinh tế Việt Nam vẫn đối diện rủi ro khi bất ổn toàn cầu tiếp tục kéo dài. Ở trong nước, tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản và những tổn thương của khu vực tài chính chưa được xử lý.
Tuy nhiên triển vọng của nền kinh tế vẫn tích cực, được hỗ trợ bởi yếu tố sức cầu bên ngoài đang gia tăng, lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm. Với diễn biến này, bà Dorsati Madani cho rằng các hoạt động kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu được tăng cường từ nửa cuối năm 2024, qua đó thúc đẩy triển vọng tăng trưởng 5,5% trong năm 2024 và 6% trong năm 2025.
Trong các khuyến nghị chính sách được nêu ra để thúc đẩy tổng cầu nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Chính phủ cần đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa, còn chính sách tiền tệ mang tính chất bổ trợ. Trước tiên vẫn là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả, tiếp đến là chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, bao gồm mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, cải cách tiền lương.
Ðáng lưu ý, nhóm nghiên cứu cho rằng trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ có thể xem xét tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khoá nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt tăng trưởng khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xu hướng giảm. Theo đó, có thể tiếp tục giảm một số loại thuế, phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, trong đó có chính sách giảm 2% thuế VAT. Thực tế, việc giảm thuế, phí trong hai năm gần đây hầu như không ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách, do đó có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước cao hơn trong giai đoạn này để hỗ trợ tổng cầu.
Ðây cũng là quan điểm của TS Ðặng Ðức Anh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Tại kỳ họp Quốc hội tới vào tháng 5/2024, Quốc hội cần công bố chương trình tiếp tục giảm thuế VAT hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động để từ đó thúc đẩy tiêu dùng. Thay vì giảm thuế trong sáu tháng trong mỗi lần ban hành chính sách hỗ trợ như trước đây, lần này, thời gian giảm thuế cần kéo dài hiệu lực đến hết năm 2025 để doanh nghiệp có cơ sở xây dựng kế hoạch dài hạn cho sản xuất, kinh doanh, tận dụng hiệu quả những lợi ích của chính sách đem lại.
Bên cạnh đó, thuế thu nhập cá nhân cũng đang bộc lộ nhiều bất cập về mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc. Do đó, muốn điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn phải sửa luật thuế thu nhập cá nhân. TS Ðặng Ðức Anh cho rằng, giải pháp hiệu quả hơn là ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nâng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân, góp phần tăng tiêu dùng, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.
Ý kiến ()