Thúc đẩy thương mại biên giới
LSO-Lạng Sơn có nhiều cửa khẩu đường bộ, thu hút đông đảo đơn vị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn. Hiện các cửa khẩu lớn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma… trung bình mỗi ngày đón khoảng 500 – 700 lượt xe. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm hóa hàng hóa XNK, thời gian qua, các doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng bến, bãi kiểm hóa trong khu vực một số cửa khẩu.
Bãi kiểm hóa hàng hóa được Công ty Xuân Cương đầu tư tại cửa khẩu Hữu Nghị |
Mặc dù có vị trí thuận lợi, nhưng những năm qua, cơ sở hạ tầng của cửa khẩu Cốc Nam chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là bến bãi kiểm hóa, khu trung chuyển hàng hóa chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế phục vụ cho hoạt động XNK. Nắm tình hình thực tế, Công ty Cổ phần Sản xuất và XNK Đạt Phát đã xin cấp phép, đầu tư xây dựng địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK tập trung trên khu đất diện tích 24.000 m2. Doanh nghiệp Đạt Phát không chỉ đầu tư khu vực kiểm hóa, mà còn đầu tư lắp đặt trang thiết bị kiểm tra hải quan, kho chứa hàng hóa vi phạm… Hạ tầng này giúp cho việc hàng đưa vào, đưa ra, lưu giữ tại địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát được tập trung hơn. Sự đầu tư này góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, qua đó nâng tầm cửa khẩu Cốc Nam để đối xứng với khu vực cửa khẩu phía nước bạn.
Thực tế, từ nhiều năm, các doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng phát triển tại khu vực cửa khẩu. Cụ thể như Công ty TNHH Xuân Cương, từ nhiều năm qua, đã đầu tư xây dựng hoàn thiện giai đoạn II của dự án bến xe, trạm trung chuyển hành khách – hàng hóa, điểm tập kết kiểm tra hàng hóa, tại khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị. Theo ông Nguyễn Hồng Cương, Giám đốc Công ty: từ năm 2012, thực hiện quy hoạch điều chỉnh khu vực cửa khẩu của UBND tỉnh, công ty đã khẩn trương san lấp mặt bằng bến bãi, làm đường nội bộ, thi công các công trình phục vụ như: nhà điều hành, bãi đỗ xe, kho hàng hóa,… Hiện tại, bãi đỗ xe tại cửa khẩu Hữu Nghị có tổng diện tích 12 ha đảm bảo cho 500 -600 xe tải lưu đỗ bãi và 200-300 xe khách luân chuyển đón trả khách trong khu vực cửa khẩu. Điều này góp phần thay đổi diện mạo của cửa khẩu quốc tế.
Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: trước đây, việc thực hiện các công trình, dự án hạ tầng ở khu vực cửa khẩu như Hữu Nghị, Cốc Nam, Tân Thanh, Chi Ma… trên địa bàn tỉnh chủ yếu do nhà nước đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Song do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng của các khu vực cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương giữa hai nước. Để đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã hưởng ứng chủ trương của tỉnh, mạnh dạn đầu tư hạ tầng, bến bãi. “Đây là sự đầu tư tạo sự văn minh cho các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, đồng thời góp phần đồng bộ cửa khẩu, qua đó thúc đẩy phát triển thương mại biên giới…”, ông Đoàn Bá Nhiên khẳng định.
Theo báo cáo của Sở Công thương, trung bình mỗi năm có từ 2.000 – 2.500 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia XNK hàng hóa qua các cửa khẩu của Lạng Sơn. Để đáp ứng nhu cầu về kiểm hóa, bãi đỗ… tỉnh đã và đang tiếp tục tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp có năng lực đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi, kho hàng, phát triển các dịch vụ tại cửa khẩu. Với sự quan tâm của tỉnh, việc thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trong những năm qua như: vận tải hàng hóa, hành khách, kho tàng bến bãi, trung chuyển hàng hóa… tại khu vực cửa khẩu có nhiều chuyển biến tích cực. Các dự án đầu tư vào cửa khẩu ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng được cải thiện đã từng bước góp phần thúc đẩy thương mại biên giới phát triển.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()