Thúc đẩy thịnh vượng chung
Toàn cảnh MSEAP 4 tại Nu Xun-tan, Ca-dắc-xtan.
MSEAP được Đu-ma quốc gia Nga, Quốc hội Hàn Quốc khởi xướng và tổ chức lần đầu năm 2016. Từ Hội nghị đầu tiên vào tháng 4-2016 tại Nga với 19 quốc gia tham dự, tới MSEAP 4 năm 2019, số lượng các đoàn nghị viện đã tăng lên hơn 60 nước. Bên cạnh đó, tham dự MSEAP 4 còn có đại diện 14 tổ chức nghị viện quốc tế, như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Nghị viện châu Á (APA), Nghị viện châu Âu (EP), Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC), Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB)… Số lượng các đoàn tham dự MSEAP tăng lên hằng năm thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của các nước trong lục địa Á-Âu, cũng như cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của việc thúc đẩy các sáng kiến hội nhập.
Lục địa Á-Âu là lục địa lớn nhất về diện tích, với 65% số dân thế giới đang sinh sống, 75% nguồn tài nguyên năng lượng và hiện nắm giữ 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, sự không đồng nhất của các hệ thống kinh tế, sự mất cân đối về mức độ phát triển giữa các phần của lục địa, cũng như sự gia tăng của xu hướng khu vực hóa, khiến lục địa Á-Âu tồn tại nhiều trở ngại trong hợp tác, nhất là quan hệ kinh tế. Song, chính mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước Á-Âu về kinh tế và thương mại đòi hỏi tất cả các bên cần tương tác chặt chẽ hơn và xem xét lại các lợi ích.
Nước chủ nhà Ca-dắc-xtan nhấn mạnh, MSEAP 4 mang tính biểu tượng đặc biệt, khi được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 25 năm công bố ý tưởng về hội nhập Á-Âu của Tổng thống đầu tiên của Ca-dắc-xtan N.Na-da-bai-ép. Năm 2015, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống N.Na-da-bai-ép tiếp tục đưa ra ý tưởng thiết lập khu vực “Đại Á-Âu”, với ngụ ý hợp nhất các dự án liên kết kinh tế lớn nhất trong lục địa. Tại MSEAP 4, Tổng thống đầu tiên của Ca-dắc-xtan tiếp tục bày tỏ tin tưởng, trong thời gian tới Liên hiệp châu Âu và Liên minh kinh tế Á-Âu, cùng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ tạo nên một mạng lưới hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Thông điệp chính của nước chủ nhà Ca-dắc-xtan là định vị lục địa Á-Âu như nền tảng để thử nghiệm các mô hình hợp tác mới, dựa trên phương thức cùng giải quyết những mâu thuẫn phát sinh giữa các quốc gia và hợp tác ứng phó các thách thức chung. Một dự án chưa từng có về “Đại Á-Âu” sẽ hài hòa hóa công việc của các hiệp hội và sáng kiến, bao gồm tự do hóa quan hệ thương mại giữa thành viên các hiệp hội, phát triển hành lang giao thông chung, đa dạng hóa các tuyến năng lượng, mở rộng hợp tác đầu tư và quan hệ kinh tế.
Với chủ đề “Đại Á-Âu: Đối thoại, tin tưởng, đối tác”, MSEAP 4 xác định mục tiêu thiết lập cuộc đối thoại đa phương trực tiếp giữa lãnh đạo cơ quan lập pháp các nước châu Á và châu Âu, cũng như người đứng đầu các tổ chức quốc tế và liên nghị viện. Tại MSEAP 4, đại diện nghị viện các nước châu Á và châu Âu họp bàn về các biện pháp bảo đảm cho sự phát triển ổn định và hòa bình, hiện thực hóa các dự án hợp tác kinh tế lớn nhất thế kỷ 21 trong khu vực và thế giới. Trong hàng chục cuộc họp song phương bên lề hội nghị, các bên cũng trao đổi kinh nghiệm về lập pháp, các vấn đề thời sự của sự phát triển chung và các giải pháp thiết thực để tiến tới mô hình phối hợp hành động “cùng thắng”.
Hệ thống nghị viện ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nền tảng chính trị các nước. Do đó, những diễn đàn như MSEAP là tiếng nói góp phần tăng cường sự tương tác, hợp tác toàn diện, không chỉ trong việc tăng cường quan hệ liên nghị viện tại lục địa Á-Âu, mà còn là cơ sở thúc đẩy các giải pháp thịnh vượng, cùng có lợi ở cấp khu vực, lục địa và toàn thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()