Thúc đẩy thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
Nhân viên phòng giao dịch của EVNHANOI hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục thanh toán hóa đơn tiền điện.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quản lý hơn 27 triệu khách hàng, trong đó có 91,64% số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt; 8,35% khách hàng là các cơ quan, doanh nghiệp. Kết quả thu tiền điện hằng năm của EVN đạt tỷ lệ hơn 99%. Giai đoạn 2005 – 2011, số khách hàng tham gia dịch vụ thu tiền hộ chưa cao, cho nên nhân viên điện lực vẫn thu trực tiếp tại nhà khách hàng. Trong giai đoạn 2012 – 2015, sau khi có chính sách triển khai hóa đơn điện tử, EVN là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện. Khách hàng có thể lấy hóa đơn tiền điện qua trang mạng chăm sóc khách hàng của ngành điện cũng như nhận hóa đơn qua email của khách hàng.
Sau khi đã hoàn thành việc áp dụng hóa đơn điện tử, từ năm 2016, để nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng, chỉ tiêu thu tiền điện qua ngân hàng và TCTG bắt đầu được đưa vào thành chỉ tiêu định lượng để điều hành hằng năm của EVN. Việc đẩy mạnh này được thực hiện thông qua các giải pháp tăng cường hợp tác với các ngân hàng, TCTG thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến để thiết lập các kênh thanh toán đa dạng cho khách hàng. Trong năm 2017, với việc hợp tác cùng 27 ngân hàng và 10 TCTG, nhân viên của điện lực không còn phải thu tiền điện trực tiếp tại nhà khách hàng.
Thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ và nhiệm vụ được Chính phủ giao cho EVN tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 về các nội dung liên quan TTKDTM cũng như cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 4, hiện nay, 100% các đơn vị của ngành điện đã hợp tác với các ngân hàng và Kho bạc Nhà nước trong dịch vụ thu tiền điện, đồng thời mở rộng hợp tác với các TCTG thanh toán như: ECPay, Payoo, Momo, VNPay, Zalopay, Viettel, VNPost, Napas… Các TCTG này đều được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian (bằng tiền mặt/ qua ví điện tử).
Khi thanh toán qua các ngân hàng và TCTG, khách hàng có thể lựa chọn các hình thức thanh toán: trích nợ tự động tài khoản (khách hàng đăng ký với ngân hàng/các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian cho phép các tổ chức này trích tiền tự động từ tài khoản của khách hàng để thanh toán tiền điện); qua internet banking/mobile banking/ví điện tử của các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán (khách hàng tự thao tác chuyển tiền điện thông qua in-tơ-nét, không cần đến quầy giao dịch); ủy nhiệm chi (khách hàng lập ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của mình để thanh toán tiền điện hằng tháng cho điện lực); tại phòng giao dịch các ngân hàng (tiền mặt hoặc chuyển khoản); thanh toán tiền mặt tại các điểm thu tiện dụng như siêu thị, cửa hàng của các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán.
Với việc đa dạng hóa hình thức thanh toán và hướng tới mục tiêu không sử dụng tiền mặt, công tác thu hộ tiền điện của EVN đã đạt được những kết quả khả quan. Đến hết năm 2018, có 49,45% số khách hàng của EVN tham gia thanh toán qua ngân hàng và TCTG; các hình thức thu tiền không sử dụng tiền mặt như: trích nợ tự động, ATM, ngân hàng trực tuyến, UNT/UNC… đạt hơn 21,74% số khách hàng của EVN. Đến hết tháng 5-2019, có 52,36% số khách hàng của EVN tham gia thanh toán qua các ngân hàng và TCTG; các hình thức thu tiền không sử dụng tiền mặt đạt hơn 27,37% số khách hàng của EVN. Các khu vực có tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện theo hình thức không dùng tiền mặt cao là TP Hồ Chí Minh (91,61%) và Hà Nội (81,98%).
Năm 2019, các đơn vị thành viên của EVN đang tích cực phối hợp UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc vận động cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quản lý thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt như: trích nợ tự động, SMS và mobile banking, internet banking, ví điện tử, ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi và thanh toán trực tuyến trên website của điện lực… Đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng phương thức TTKDTM, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Hỗ trợ phổ biến, tuyên truyền về việc sử dụng các dịch vụ điện mức độ 4 để các khách hàng biết và sử dụng để đạt kế hoạch với hơn 43% số khách hàng sử dụng điện TTKDTM.
Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) là một trong những đơn vị đầu trong EVN trong triển khai việc TTKDTM. Từ cuối năm 2017, EVNHANOI đã chính thức cung cấp 32 dịch vụ điện trực tuyến trên trang mạng của tổng công ty và Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội. Sự ra đời của 32 dịch vụ điện trực tuyến, các ứng dụng chăm sóc khách hàng và nhất là các phần mềm đa dạng hóa hình thức thanh toán tiền điện qua các ngân hàng và TCTG thanh toán đã đem đến nhiều lợi ích về thời gian, công sức và chi phí cho khách hàng sử dụng điện.
Theo Ban Kinh doanh của EVNHANOI, cơ sở hạ tầng của các ngân hàng, TCTG hiện nay chủ yếu tập trung ở nội thành và các khu đông dân cư dẫn đến việc phát triển khách hàng ở khu vực ngoại thành còn hạn chế. Bên cạnh đó, ở khu vực ngoại thành, các khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt hầu hết là sản xuất thủ công nhỏ lẻ chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được các phương thức giao dịch tiện lợi, hiện đại như internet banking, mobile banking… Theo ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc kênh Viettelpay Hà Nội, Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ trong việc định hướng nền kinh tế hướng tới việc TTKDTM. Đồng thời, xây dựng một cơ sở hạ tầng tiện lợi, an toàn, nhanh chóng cho người dùng cũng là một giải pháp quan trọng. Bởi thực tế ở Việt Nam, việc phát triển phương tiện thanh toán vẫn chủ yếu tập trung ở thành phố, còn ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, việc thanh toán bằng thẻ hay ngân hàng điện tử còn rất hạn chế.
Phó Tổng Giám đốc EVNHANOI Nguyễn Quang Trung cho biết thời gian tới, EVNHANOI sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng, phát triển các ứng dụng công nghệ trong thanh toán tiền điện. Đồng thời phối hợp các ngân hàng, TCTG đẩy mạnh truyền thông, quảng bá nhằm phát triển khách hàng sử dụng các hình thức trích nợ tự động, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; phấn đấu đến năm 2020, sẽ triển khai 100% thanh toán tiền điện qua các ngân hàng/TCTG.
Có thể thấy rằng, TTKDTM là xu hướng tất yếu cho sự phát triển của xã hội khi đang hòa nhập cách mạng công nghiệp 4.0. Nắm bắt xu hướng này, EVN và các đơn vị trực thuộc đang không ngừng nâng cao chất lượng trong công tác sản xuất, kinh doanh, cung cấp các giải pháp tốt nhất để phục vụ khách hàng sử dụng điện.
Theo Nhandan
Ý kiến ()