Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng dịp cuối năm
Ðà tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã bứt phá nhanh trong tháng 10 và 11 khi chỉ chưa đầy hai tháng đã tăng thêm 2,37% – gấp hơn hai lần mức bình quân các tháng đầu năm. Các chuyên gia trong ngành dự báo, cả năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt xấp xỉ 10%.
Ðẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn
Trong những tháng cuối năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) đang đẩy mạnh huy động vốn. Trong đó, tập trung thu hút nguồn vốn trung, dài hạn. Cụ thể, ngay khi bước vào tháng 12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã công bố một chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn bảy năm, trong đó năm đầu tiên lãi suất của sản phẩm này ở mức 7%/năm; từ năm thứ hai trở đi sẽ lấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của bốn NHTM Nhà nước ngày 26-11-2020 và cộng thêm 1,2% để ra lãi suất cho chứng chỉ tiền gửi thời kỳ tiếp theo. Theo đại diện lãnh đạo Sacombank, mục đích của việc phát hành loại chứng chỉ tiền gửi này là tăng quy mô vốn của ngân hàng và tăng nguồn vốn trung, dài hạn, nâng cao các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và cơ cấu nguồn vốn huy động của Sacombank theo hướng ổn định.
Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng lên đến 7,5%/năm. Tổng mệnh giá đợt phát hành là 2.000 tỷ đồng. Lãi suất năm đầu tiên đối với kỳ hạn 6 năm và 8 năm lần lượt là 7,3%/năm và 7,5%/năm; lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp, bảo đảm cạnh tranh trên thị trường. Khi có nhu cầu sử dụng vốn đột xuất, khách hàng có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn hệ thống SHB tại Việt Nam với lãi suất cầm cố ưu đãi tối thiểu bằng lãi suất của chứng chỉ tiền gửi. “Chứng chỉ tiền gửi được xem là hình thức đầu tư dài hạn với mức lãi suất cao hơn so với các sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Trong khi đó, với điều kiện tham gia dễ dàng cho nên chương trình phù hợp với đại đa số khách hàng” – Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng thông báo phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng vào ngày đầu tháng 12-2020. Theo kế hoạch, trong đợt phát hành trái phiếu này, Agribank dự kiến phát hành 5 triệu trái phiếu. Trái phiếu có mệnh giá 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm và lãi suất được tính trên cơ sở lãi suất tham chiếu (bình quân tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trả lãi sau của bốn NHTM Nhà nước) cộng thêm biên độ 1,3%/năm cho 5 năm đầu và 1,5% cho năm thứ 6 và năm thứ 7.
Theo một số chuyên gia kinh tế, sở dĩ các NHTM thời gian gần đây đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi hoặc trái phiếu bởi đây được đánh giá là một kênh đầu tư an toàn với mức sinh lời cao dành cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức với số vốn đầu tư linh hoạt, hợp lý, luôn cao hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm từ 1,3% đến 1,5%. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đang được giữ ổn định ở mức thấp nhằm tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, thì các hình thức huy động vốn nêu trên cũng góp phần giúp các NHTM vừa đáp ứng được các tỷ lệ bảo đảm an toàn vừa tăng trưởng nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu cho vay của nền kinh tế.
Tín dụng trên đà cán đích
Trong khi đó, để kích cầu tín dụng, nhiều NHTM cũng đồng thời triển khai các gói cho vay ưu đãi. Ðơn cử như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đang cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân lãi suất xoay quanh mức 7,6 đến 8,5%/năm. Mức ưu đãi vay này được áp dụng theo chương trình “Vay ưu đãi – lãi an tâm” với hạn mức giải ngân 2.000 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính cho các mục tiêu mua nhà, mua xe ô-tô, xây sửa nhà mới, vay tiêu dùng hoặc bổ sung vốn kinh doanh. Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cũng có gói tín dụng 7.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,99%/năm cho khách hàng cá nhân. Hay như tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), đến ngày 31-12, mọi khách hàng thuộc phân khúc nhỏ, siêu nhỏ (doanh thu dưới 40 tỷ đồng/năm) sẽ được VPBank cấp hạn mức và giải ngân khoản vay không tài sản bảo đảm từ 500 triệu đồng hoặc khoản có tài sản bảo đảm từ 1,5 tỷ đồng. Khách hàng tham gia chương trình sẽ được VPBank giảm thêm 0,5% lãi suất so với lãi suất công bố của ngân hàng.
Trong nhóm NHTM Nhà nước, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng dành 2.500 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đón mùa kinh doanh Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với mức lãi suất chỉ từ 5,8%/năm, thời hạn dưới 3 tháng. Khách hàng vay thời hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất cho vay 6,0%/năm. Agribank phát hành gói tín dụng 35 nghìn tỷ đồng dành cho DN lớn với lãi suất ưu đãi tối thiểu 3,7%/năm kỳ hạn vay ngắn; và 7%/ năm với khoản vay trung và dài hạn. DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, mức lãi suất ưu đãi 4,8%/năm vay ngắn hạn; và 7,5%/năm vay trung, dài hạn. Với các DN FDI, Agribank có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng và 150 triệu USD. Theo đó, khách hàng vay bằng VND, thời gian dưới 6 tháng, lãi suất là tối đa 4,8%/ năm; đối với cho vay bằng USD, thời gian cho vay tối đa không quá 6 tháng, mức lãi suất cho vay tối thiểu 2,5%/năm…
Với việc đón đầu như vậy, tín dụng toàn ngành đã lấy lại đà tăng trưởng nhanh trong hai tháng qua khi tính chung tín dụng 11 tháng đã thu hẹp khoảng cách so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể thông tin từ NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 9-2020 mới đạt 6,09%. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã bứt phá nhanh trong tháng 10 và 11 khi chỉ chưa đầy hai tháng đã tăng thêm được 2,37% – gấp hơn hai lần mức bình quân các tháng đầu năm. Theo đó, lũy kế đến ngày 27-11, tín dụng toàn bộ nền kinh tế tăng 8,46% so cuối năm 2019. Ước tính dư nợ toàn nền kinh tế đến cuối tháng 11-2020 đạt khoảng 8,9 triệu tỷ đồng, trong đó riêng 11 tháng đầu năm 2020, hệ thống các TCTD đã “bơm” thêm khoảng 700 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế dù dịch Covid-19 tác động làm giảm sức hấp thụ vốn của DN.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các lĩnh vực hiện đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 8%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6,5%, tín dụng đối với DN nhỏ và vừa tăng khoảng 8,2%. Nếu xét theo ngành kinh tế thì ngành thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 9%; ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 7,6%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 7,89%. Cùng với đó, hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Ðến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 224.300 tỷ đồng, tăng 8,46% so với 31-12-2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.
Ðầu tháng 12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã công bố cập nhật dự báo kinh tế châu Á với những chỉ số khả quan hơn. Trong đó, ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam từ 1,8% lên 2,3%. Ðiều này cũng mang đến những dấu hiệu lạc quan về cầu tín dụng cũng như khả năng hồi phục của DN trong nền kinh tế. Cộng với mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, các chuyên gia kinh tế dự báo các TCTD sẽ tiếp tục đẩy vốn ra thị trường nhanh hơn nữa và cả năm 2020 tăng trưởng tín dụng có thể đạt xấp xỉ 10%. Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV – TS Cấn Văn Lực cũng bày tỏ tin tưởng, với các giải pháp phù hợp, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt trên dưới 10% trong năm nay.
Ý kiến ()