Thúc đẩy tái đàn an toàn: Đảm bảo nguồn cung thịt lợn
– Thời gian qua, mặc dù lĩnh vực chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, song các cấp, ngành chức năng đã có những giải pháp hướng dẫn người dân từng bước tái đàn. Qua đó, nhằm thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định, đảm bảo nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm.
Theo đánh giá của lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2022, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn như: dịch bệnh trên đàn lợn vẫn xảy ra, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn chăn nuôi cao, thời tiết có nhiều thay đổi dẫn đến sức đề kháng vật nuôi giảm, nhất là thời điểm tái đàn những tháng cuối năm…
Người dân thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc chăn nuôi lợn
Trước thực tế đó, phòng chuyên môn các huyện, thành phố đã tích cực hướng dẫn người dân các giải pháp phát triển chăn nuôi. Điển hình như tại huyện Hữu Lũng – một trong những huyện phát triển chăn nuôi lợn mạnh của tỉnh, bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện cho biết: Để đảm bảo chăn nuôi lợn hiệu quả, đáp ứng nguồn cung thị trường, từ đầu năm 2022 đến nay, công tác phun tiêu độc khử trùng và tiêm phòng trên đàn vật nuôi được chú trọng thực hiện, toàn huyện đã tiêm phòng các loại bệnh được trên 45.500 lượt con lợn, tăng hơn 344% so với cùng kỳ năm ngoái và cấp được 780 lít thuốc sát trùng cho các xã, thị trấn để phun tiêu độc, vệ sinh môi trường chăn nuôi. Do vậy, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn được kiểm soát, không có ổ dịch lớn xảy ra, việc tái đàn được người chăn nuôi đẩy mạnh. Đến nay, toàn huyện có trên 22.800 con lợn, tăng 72,86% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm này, đơn vị cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền người dân tiếp tục tái đàn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, giúp cho đàn lợn phát triển ổn định, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Minh, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Hằng năm, gia đình tôi đều duy trì khoảng 200 đến 300 con lợn thịt phục vụ cho nhu cầu thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm. Theo đó, để chủ động nguồn lợn giống, đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngoài việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn lợn, tôi còn chú trọng vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng định kỳ và theo dõi chặt chẽ dịch bệnh để tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Đến nay, đàn lợn sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, đảm bảo xuất bán ra thị trường dịp cuối năm.
Bên cạnh sự chủ động của các huyện, thành phố, nhằm thúc đẩy chăn nuôi lợn, ngay từ đầu năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với TTDVNN tổ chức 11 buổi tập huấn lồng ghép cho cán bộ, thú y viên các xã, thị trấn và người dân về cách sử dụng thuốc trong chăn nuôi, tái đàn, phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn… Qua đó, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi. Đồng thời, tuyên truyền người dân đẩy mạnh thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Theo thống kê của chi cục, từ đầu năm 2022 đến nay, các huyện, thành phố đã tiêm phòng dịch tả cổ điển, phó thương hàn, tụ huyết trùng… cho 44.754 lượt con lợn. Bên cạnh đó, chi cục cũng phối hợp với các đơn vị hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại khép kín, đảm bảo các yếu tố để phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 trang trại chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo chất lượng nguồn giống và lợn thịt.
Nhờ vậy, công tác tái đàn lợn được người chăn nuôi chú trọng và thực hiện có hiệu quả, đàn lợn phát triển ổn định, dịch bệnh xảy ra nhỏ lẻ, đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi cơ bản được khống chế. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 160 nghìn con lợn, tăng 57,79% so với cùng kỳ năm trước, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thị trường.
Ông Dương Doãn Doanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để thúc đẩy chăn nuôi, tổ chức tái đàn lợn phù hợp, có hiệu quả, thời gian tới, chi cục tiếp tục phối hợp với TTDVNN các huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi tiếp tục tái đàn, tăng đàn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ chăn nuôi có quy mô lớn, đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cần chú trọng nguồn gốc con giống, vệ sinh chuồng trại trước khi tái đàn, tiêm phòng đầy đủ định kỳ cho vật nuôi, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi nhằm giảm chi phí… góp phần đảm bảo nguồn cung thịt lợn ra thị trường.
Ý kiến ()