Thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp
LSO-Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây được coi là yếu tố thúc đẩy năng suất, chất lượng và giá trị của sản xuất.
![]() |
Mô hình trồng khoai môn tại xã Quốc Việt, huyện Tràng Định |
Từ tháng 10/2012-12/2014, đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp phát triển khoai môn tại huyện Tràng Định theo hướng sản xuất hàng hóa” được triển khai và kết quả nghiên cứu đã được Hội đồng KHCN tỉnh nghiệm thu, đánh giá xếp loại khá.
Ngay sau khi đề tài được nghiệm thu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tràng Định đã phối hợp với các cấp, ngành hữu quan xây dựng các mô hình áp dụng thành tựu của đề tài này tại xã Quốc Việt với quy mô 20 sào.
Ông Triệu Minh Quân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tràng Định cho biết: diện tích thực hiện mô hình đều là các chân ruộng hạn, theo chính sách của tỉnh (Quyết định 25 của UBND tỉnh, ngày 11/1/2012 về quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ áp dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất), các hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật và 30% giống, vật tư các loại.
Sau một thời gian ngắn triển khai, các mô hình đạt kết quả rất tốt, năng suất bình quân đạt 18 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt trên 200 triệu đồng/ha. Anh Lương Thế Hùng, thôn Bình Độ, xã Quốc Việt chia sẻ: gia đình tôi thực hiện mô hình với quy mô 2 sào, kết quả thu được gần 1,4 tấn sản phẩm, thương lái đến tận nơi thu mua với giá trung bình 20.000 đồng/kg. Như vậy với 2 sào ruộng hạn, gia đình anh Hùng có thu nhập xấp xỉ 30 triệu đồng/vụ nhờ trồng khoai môn.
Đến nay trên địa bàn huyện Tràng Định, diện tích trồng khoai môn đã phát triển lên trên 10 ha. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, chủ trương của Tràng Định là sẽ mở rộng vùng trồng khoai môn tại các xã giáp biên trên địa bàn, vừa tận dụng hết các diện tích đất nương bãi, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân giáp biên.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều những mô hình áp dụng các đề tài nghiên cứu KHCN vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KHCN, thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh, từ năm 2012 đến nay, Sở KHCN đã hỗ trợ xây dựng được 105 mô hình áp dụng từ kết quả nghiên cứu của 7 đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu. Kết quả các mô hình này đều mang lại hiệu quả cao về kinh tế như: khoai môn ở Tràng Định, chuối tiêu hồng ở Lộc Bình, chăn nuôi gia cầm ở thành phố Lạng Sơn… Các mô hình này đã giúp các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn hơn, sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở KHCN cho biết: chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo động lực rất lớn; tổng số kinh phí hỗ trợ các mô hình theo chính sách là hơn 1 tỷ đồng, nhưng đã huy động nguồn lực đối ứng từ nhân dân trên 2,6 tỷ đồng. Hay nói cách khác, chính sách phù hợp với thực tiễn đã kích thích các hộ gia đình, tổ chức đẩy mạnh ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm.
Hiện nay chính sách khuyến khích, hỗ trợ áp dụng thành tựu KHCN vào sản xuất đã hết thời gian thực hiện, Sở KHCN đang chủ trì cùng với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách mới về lĩnh vực này.
Ông Lê Minh Thanh cho biết thêm: ngành sẽ tham mưu cho tỉnh các mức hỗ trợ phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hiện nay để khuyến khích người dân hơn nữa trong việc áp dụng thành tựu KHCN vào sản xuất. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
VŨ NHƯ PHONG

Ý kiến ()