Thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong các tiến trình hòa bình
Liên hợp quốc đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong các tiến trình hòa bình thông qua việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hệ thống của Liên hợp quốc.
Đại sứ Đặng Đình Quý – Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc – phát biểu trong một cuộc họp.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 8/3, Ireland cùng 11 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam, đã đồng tổ chức cuộc họp theo thể thức Arria về chủ đề “Đảm bảo sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc dẫn dắt.”
Đại diện của gần 60 nước và cơ quan của Liên hợp quốc đã tham dự.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình, bà Rosemary DiCarlo nhấn mạnh Liên hợp quốc đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu này thông qua việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hệ thống của Liên hợp quốc và cho biết đến nay, nữ chiếm 54% lãnh đạo cấp cao trong các phái bộ chính trị đặc biệt.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc chia sẻ ở Afghanistan, phái bộ của Liên hợp quốc đã hỗ trợ các cuộc thảo luận trên đài phát thanh về sự tham gia của phụ nữ trong các thỏa thuận hòa bình; ở Yemen, Liên hợp quốc cũng tiến hành một cuộc tham vấn trực tuyến với sự tham dự của hơn 500 phụ nữ và đại diện tổ chức xã hội; ở Syria, Iraq và Yemen, các đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã sử dụng các cơ chế để đảm bảo các ưu tiên liên quan đến phụ nữ được lồng ghép trong các cuộc thảo luận.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình, Liên hợp quốc cần có nguồn tài chính đầy đủ và bền vững (Quỹ Xây dựng Hòa bình của Liên hợp quốc đã phân bổ 40% nguồn lực cho các sáng kiến về giới) và cần phải thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược lâu dài nhằm đảm bảo kết quả bền vững.
Các nước tham gia cuộc họp nhất trí cho rằng việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xóa bỏ các rào cản đối với phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình, an ninh.
Các nước cũng đồng thời chia sẻ các biện pháp và kinh nghiệm như nâng cao nhận thức, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng và hỗ trợ phát triển cho phụ nữ trong các tất cả các giai đoạn của tiến trình hòa bình.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã nêu các thành tựu và các thách thức hiện nay đối với việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình.
Đại sứ nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức chung về sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ vào các tiến trình hòa bình ở tất cả các cấp, theo đó quyền, lợi ích và nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái cần được thúc đẩy hơn nữa để đảm bảo phụ nữ là đối tác bình đẳng ngay từ những giai đoạn sớm nhất trong mỗi tiến trình hòa bình và chính trị.
Các nước cần đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng các chính sách, chiến lược và sáng kiến ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế về hòa bình và an ninh, theo đó, phụ nữ phải được trang bị kiến thức và kỹ năng, được trao quyền về chính trị và được tiếp cận để tham gia đầy đủ và bình đẳng vào quá trình ra quyết định và chính sách.
Để đạt kết quả cụ thể và lâu dài, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng cần tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ các nguồn lực cũng như kinh nghiệm, theo đó kêu gọi cộng đồng các nhà tài trợ thực hiện cam kết dành 15% vốn ODA để hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới ở nước bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Nhân dịp này, Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vai trò của phụ nữ và nêu bật các thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong các vấn đề hòa bình, an ninh nói chung và tiến trình hòa bình nói riêng.
Cuộc họp theo thể thức Arria là một hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham dự của các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng như các nước thành viên Liên hợp quốc ngoài Hội đồng Bảo an khác và các tổ chức quốc tế./.
Ý kiến ()