"Thúc đẩy Quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển"
Bằng những câu chuyện đang diễn ra trong cuộc sống, 100 đại biểu là trẻ em gái đã mang đến phiên trọng thể Diễn đàn trẻ em gái năm 2018 diễn ra ngày 7/10 tại Hà Nội hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng, những vấn đề, thách thức mà hàng triệu trẻ em gái Việt Nam đang phải đối mặt.
Ở nơi “ đi học mới là lêu lổng, tốn thời gian ”
“Cứ đến dịp Tết, lễ hội cổ truyền, trẻ em gái tại nhiều bản làng vùng cao lại nơm nớp nỗi lo bị bắt về làm vợ một người không có tình cảm, thậm chí không hề quen biết. Chúng em có thể bị bắt khi lên nương làm rẫy, trên đường đi học… Trong ba ngày, nếu không trốn được khỏi nơi bị bắt thì coi như đã ‘qua một đời chồng’ và nghiễm nhiên trở thành người của nhà chồng. Nhiều trường hợp chưa đủ 18 tuổi đã có 2 đến 3 con, nhiều ‘anh chồng’ không công ăn việc làm, chỉ chơi bời, nát rượu và thậm chí cả nghiện ngập về đánh chửi vợ dẫn đến đổ vỡ không phải là chuyện hiếm ở những bản vùng cao. Ngạc nhiên hơn, với trình độ dân trí chưa cao, nhiều người dân vẫn suy nghĩ rằng đi học mới là lêu lổng, tốn thời gian, ở nhà làm nương rẫy mới là ngoan hiền, biết phụ giúp gia đình”, một đại biểu dân tộc thiểu số nhóm “Hoa bản” chia sẻ tại Diễn đàn.
Đến từ bản làng xa xôi nhất ở huyện MH, Hồ Thị Thủy chia sẻ cuộc sống của gia đình em cũng như nhiều hộ dân nơi đây cũng chả khác là bao: “công việc hằng ngày của người trẻ là lên nương, lên rẫy bẻ ngô, hái măng, nhặt rau dại… còn người già thì ở nhà trông trẻ. Con gái trong bản chỉ đến 15, 16 tuổi là phải lấy chồng hết cả. Có những người còn cưới từ lúc mới 12, 13 tuổi. Người trong bản không cưới người bên ngoài. Cứ lớn một chút, thích ai đó, rồi thì có bầu là có thể về xin bố mẹ bàn bạc chuyện cưới hỏi, không cần đăng ký kết hôn và cũng không cần nhiều thủ tục”.
Ngay trong gia đình Thủy, anh trai cưới vợ là cô em họ ngay sát nhà. Cô dâu mới 14 tuổi, khi cưới đã có bầu. “Lấy chồng ở bản em đồng nghĩa với nghỉ học. Khi sinh con, vì còn nhỏ, cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh nên gia đình phải đưa chị dâu lên bệnh viện tuyến trên để mổ, may mắn là mẹ tròn con vuông nhưng theo tập tục, phụ nữ mới sinh không được về nhà, mà phải cùng con ở trong một túp lều nhỏ. Kiến thức xã hội, kiến thức sinh sản đều không có, chị dâu cũng không biết chăm sóc trẻ sơ sinh, sức khỏe sau mổ cũng chưa hồi phục nên ai cũng lo lắng. Đến thời điểm hiện tại, gia đình em vẫn chưa trả được hết khoản nợ từ việc đưa chị dâu đi sinh ở viện. Nhiều hộ khác trong bản, phần vì không có điều kiện, phần lại theo tập tục nên vẫn để sinh tại nhà”, Thủy nói.
“Thúc đẩy Quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển”
Đó là một vài những câu chuyện được chia sẻ tại phiên trọng thể Diễn đàn Trẻ em gái năm 2018 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức PLAN International Việt Nam tổ chức ngày 7/10 tại Hà Nội.
Diễn ra từ ngày 5 đến hết ngày 7-10, với chủ đề “Thúc đẩy Quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển”, Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội… cùng 100 em gái từ nhiều địa phương trên cả nước.
Xoay quanh hai chủ đề chính “An toàn với trẻ em gái ở nông thôn” và “Tảo hôn và các hệ lụy”, các đại biểu là trẻ em gái đã chia sẻ về những thực trạng, thách thức mà các em đang phải đối mặt hằng ngày, ngay trên con đường đến trường và cả trong quá trình phát triển.
Các em đã đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho bản thân và những trẻ em gái xung quanh. Đó là: An toàn cho trẻ em gái là an toàn cho tất cả mọi người; không để trẻ em sinh ra trẻ em; chúng em không muốn lấy chồng ở tuổi đến trường…
Trẻ em gái kiến nghị tại Diễn đàn – Ảnh: Cẩm Linh
Nhiều trẻ em gái tại Diễn đàn mong muốn xây dựng không gian, công trình vui chơi dành riêng cho trẻ em gái; đảm bảo an toàn cho các em bằng cách lắp thêm camera giám sát tại các điểm công cộng; lắp thêm đèn chiếu sáng trên đường; in thông tin, số điện thoại của các đơn vị hỗ trợ trên bìa vở…
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em, đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã trực tiếp trao đổi, cam kết có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề gây mất an toàn của trẻ em gái.
Về xây dựng sân chơi cho trẻ em, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương cho biết, trong nhiệm kỳ này, Hội đồng Đội Trung ương đặt chỉ tiêu xây mới ở mỗi xã, phường, thị trấn một điểm vui chơi, giải trí cho thiếu niên, nhi đồng; thực hiện đổi mới hoạt động của các cung, nhà thiếu nhi.
Anh Nguyễn Ngọc Lương cũng mong muốn có thêm nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hoá, các điểm vui chơi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, có quy định để cân đối thời lượng học tập, vui chơi, giải trí cho các em một cách phù hợp.
Trả lời câu hỏi về những giải pháp của các cơ quan chức năng nhằm ngăn ngừa tình trạng trẻ em bỏ học và tạo điều kiện cho trẻ em tảo hôn được quay lại trường học, Trưởng ban Gia đình và Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ, thực trạng tỉ lệ học sinh tảo hôn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ rất cao. Để giải quyết vấn đề này, Hội đã phối hợp với các bên liên quan thực hiện các chương trình truyền thông, xây dựng các mô hình nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bỏ học sớm và tảo hôn cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số…
Nhiều đại biểu đến từ các ban, ngành thống nhất, cần nâng cao nhận thức, khả năng tự bảo vệ, kỹ năng lên tiếng cho trẻ nhất là trẻ em gái. Cha mẹ, người thân trong gia đình cần có sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với các con, không né tránh những câu hỏi mà theo nhiều phụ huynh là nhạy cảm, “vẽ đường cho hươu chạy”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, điều quan trọng nhất là trẻ em cần biết mình phải làm gì trong những trường hợp cụ thể; quyền của trẻ em được quy định trong Luật như thế nào; khi cần trợ giúp thì liên hệ với ai, đơn vị nào?
Đồng chí Phan Thanh Bình gợi ý: “khi có vấn đề cần trợ giúp, các em có thể phản ánh ngay với cha mẹ, các cơ sở Đoàn, Đội nơi mình sinh hoạt, học tập hoặc liên hệ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111”.
Liên quan tới vấn đề tảo hôn, đồng chí Phan Thanh Bình cho rằng, nạn tảo hôn không chỉ do hủ tục hay cha mẹ bắt ép mà còn có một phần do nhận thức và sự tò mò của trẻ. Vì vậy, trước khi quyết định tảo hôn, các em cần suy nghĩ thật kỹ để giữ cho sức khoẻ lâu dài bởi việc tảo hôn không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của đứa trẻ sinh ra mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ của chính người mẹ./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()