Thúc đẩy quyền của phụ nữ thông qua thực hiện Công ước CEDAW
Chiều 7/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) tổ chức Hội thảo khu vực về thúc đẩy quyền của phụ nữ thông qua Công ước CEDAW - Chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN.
Chiều 7/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) tổ chức Hội thảo khu vực về thúc đẩy quyền của phụ nữ thông qua Công ước CEDAW – Chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Công ước CEDAW (Commitee on the Elimination of Discrimination against Women) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 18/12/1979 với mục đích mang lại quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ. Đây là Công ước nhằm bảo vệ ở phạm vi rộng lớn các quyền của phụ nữ, trước hết là bảo đảm cho phụ nữ được sống an toàn, tự do, phát triển bền vững với việc đặc biệt nhấn mạnh bảo đảm sự bình đẳng đối với phụ nữ trong hưởng thụ các quyền cơ bản của con người. Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo đảm các quyền bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa, xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước này vào ngày 29/7/1980 và phê chuẩn vào ngày 27/11/1981.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa đã đánh giá cao nỗ lực đáng kể của các nước ASEAN để thực hiện Công ước CEDAW nói chung, cũng như thúc đẩy quyền và bảo vệ quyền của phụ nữ trong khu vực nói riêng. Các nguyên tắc của Công ước CEDAW đã được lồng ghép và kết hợp vào kế hoạch phát triển quốc gia, các chính sách pháp luật và các chương trình kinh tế xã hội. Những thành tựu trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ thuộc các nước ASEAN ngày càng được biết đến nhiều hơn ở cấp độ quốc gia và trong khu vực.
Cùng với việc được cung cấp, cập nhật thông tin về hoạt động các giải pháp và những định hướng, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới về thúc đẩy quyền phụ nữ thông qua thực hiện Công ước CEDAW, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan, Cộng đồng Văn hóa – xã hội ASEAN của Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia nghiên cứu về phụ nữ đã được đã được nghe đại diện phụ nữ của các nước: Brunei, Campuchia, Lào, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines chia sẻ kinh nghiệm, thách thức và những điển hình hoạt động tốt, góp phần bảo đảm sự bình đẳng đối với phụ nữ trong thực hiện các quyền cơ bản của con người.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()