Đất nước Mông Cổ có diện tích 1,565 triệu km2, phần lớn lãnh thổ là đồng cỏ và đồi núi, khí hậu khắc nghiệt, ít mưa, lạnh giá, mùa đông nhiệt độ có lúc xuống -30, -400C. Dân số hơn ba triệu người, gồm hơn mười dân tộc, trong đó dân tộc Mông Cổ (Khalkh) chiếm 86%, Ca-dắc 6%.
Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (thành lập ngày 1-3-1921) đã đưa Cách mạng nhân dân Mông Cổ đến thắng lợi ngày 11-7-1921, nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ ra đời. Từ năm 1921 đến năm 1990, Mông Cổ tiến hành cải cách dân chủ theo hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1990, Mông Cổ tiến hành cải tổ. Với khoảng 150 nghìn đảng viên, Đảng Nhân dân Mông Cổ là chính đảng lớn nhất trong 18 đảng đang chính thức hoạt động của nước này. Mông Cổ thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, đa phương và không liên kết, hiện là thành viên của LHQ, WTO, ARF, ASEM và đang xúc tiến quá trình gia nhập APEC, tăng cường quan hệ nhiều mặt với Phong trào Không liên kết.
Ngành kinh tế chủ đạo của Mông Cổ là chăn nuôi, với khoảng 32 triệu đầu gia súc (tính đến cuối năm 2010). Mông Cổ được đánh giá là một trong số 15 quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản lớn nhất thế giới nhưng chưa được khai thác mạnh. Mỗi năm, Mông Cổ khai thác hơn 35 nghìn tấn đồng, hơn 10 tấn vàng, 13 nghìn tấn dầu thô; sản xuất, chế biến, xuất khẩu 2,7 nghìn tấn lông dê mịn (chiếm 30% thị trường thế giới).
Từ năm 1990, Mông Cổ chuyển sang kinh tế thị trường. Những năm vừa qua, kinh tế Mông Cổ liên tục có bước phát triển khá. Năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,1%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 3.600 USD. Mông Cổ rất quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2010, Mông Cổ có quan hệ thương mại với 132 nước, tổng kim ngạch ngoại thương đạt 6,177 tỷ USD (tăng 53,5%), trong đó xuất khẩu đạt 2,899 tỷ USD, nhập khẩu đạt 3,278 tỷ USD. Tuy nhiên, Mông Cổ vẫn còn là một nước nghèo, với một phần ba số dân có mức thu nhập dưới trung bình.
Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17-11-1954. Hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác đầu tiên ngày 25-6-1961, ký lần thứ hai ngày 3-12-1979. Nhà nước và nhân dân Mông Cổ đã nhiệt tình ủng hộ về cả tinh thần và vật chất đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam đã viện trợ và gửi chuyên gia sang giúp nước bạn, nhất là trong những năm gần đây khi kinh tế Mông Cổ gặp nhiều khó khăn do thiên tai, thời tiết khắc nghiệt. Từ năm 1990, do tình hình quốc tế và mỗi nước có nhiều chuyển biến, quan hệ hai nước thay đổi và được khôi phục từ năm 1994. Ngày 15-4-2000, hai bên ký mới Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, đưa quan hệ Việt Nam – Mông Cổ bước vào giai đoạn phát triển mới. Hai bên trao đổi thường xuyên các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, QH, các ngành và đoàn thể hai nước. Việt Nam và Mông Cổ duy trì phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế.
Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật Việt Nam – Mông Cổ thành lập tháng 12-1979 và được khôi phục hoạt động từ năm 1996 với việc ký Hiệp định về hợp tác thương mại. Hai bên cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật còn thấp so tiềm năng và yêu cầu của hai nước, cần đưa quan hệ hợp tác kinh tế tương xứng mức độ quan hệ chính trị. Kim ngạch thương mại song phương những năm vừa qua tuy ít nhưng tăng liên tục: năm 2008 đạt 6,1 triệu USD, năm 2009 đạt 9,8 triệu USD, năm 2010 đạt 14,8 triệu USD. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mông Cổ nông sản chế biến, hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ. Một số công ty của Việt Nam đang đàm phán để nhập khẩu thịt gia súc đông lạnh từ Mông Cổ.
Nhân kỷ niệm lần thứ 90 Ngày Cách mạng nhân dân Mông Cổ – Ngày Lễ hội toàn dân Mông Cổ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, QH Việt Nam đã gửi điện mừng đến lãnh đạo Mông Cổ, chúc Chính phủ và nhân dân Mông Cổ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong công cuộc phát triển đất nước, chúc quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển.
Ý kiến ()