Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Bê-la-rút
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Belarus (Bê-la-rút) Aleksandr Grigorievich Lukashenko (A-lếch-xan-đơ Gri-gô-ri-e-vích Lu-ca-sen-cô) sang thăm cấp Nhà nước từ ngày 8 - 9/12/2015.
hai bên đã ra Tuyên bố chung về củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị,
hợp tác toàn diện giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa Belarus
Cộng hòa Bê-la-rút (the Republic of Belarus) có diện tích 207.600 km 2, nằm ở phần Đông châu Âu, tiếp giáp với các nước Nga, U-crai-na, Ba Lan, Lát-via và Lít-va; không tiếp giáp với biển nhưng có vị trí địa chính trị quan trọng, là một trong những tuyến đường chính nối Nga với Tây Âu. Cộng hòa Bê-la-rút có dân số 9.358.234 người (năm 2014) (chưa tính hơn 3 triệu người Bê-la-rút sống ở nước ngoài); GDP năm đạt 201474,5 tỷ USD, GDP/đầu nười đạt 7945 USD.
Bê-la-rút là nước có tiềm lực công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, giáo dục và quốc phòng khá lớn, đứng thứ 3 trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Sau khi tách ra độc lập năm 1991, Bê-la-rút được thừa hưởng một số cơ sở kinh tế, quân sự và khoa học tương đối tốt của Liên Xô cũ và có thế mạnh trong các ngành cơ khí, điện tử, quang học, hóa chất, phân bón, gỗ, giấy, chế biến cao su…
Những năm đầu độc lập, Bê-la-rút lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Từ 1994, lãnh đạo Bê-la-rút chủ trương cải cách kinh tế, từng bước theo hướng kinh tế thị trường có điều tiết của Nhà nước, ổn định tình hình để dần thoát khỏi khủng hoảng. Từ 1996, nền kinh tế Bê-la-rút có dấu hiệu phục hồi và bắt đầu tăng trưởng cao. Tuy Bê-la-rút gặp nhiều khó khăn trong giải quyết việc nhập khẩu năng lượng, đối phó với chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ và phương Tây, nhưng kinh tế Bê-la-rút vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao. Từ năm 2004-2008, GDP tăng trung bình 9-10 %. Các năm sau đó, nhất là từ 2011 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng chậm lại nhiều so với trước do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế chung trong khu vực và trên thế giới. GDP năm 2011 tăng 5,3% , năm 2012 tăng 3%, năm 2013 tăng 0,9%, năm 2014 tăng 1,6% đạt 74,5 tỷ USD, 10 tháng đầu năm 2015 GDP giảm 3,9%.
Đặc biệt, năm 2011, thị trường tiền tệ Bê-la-rút gặp biến động lớn, buộc Chính phủ phải thả nổi tỉ giá đồng rúp khiến giá các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ tăng mạnh, đẩy lạm phát năm 2011 lên tới mức kỷ lục 108,4%. Hiện Bê-la-rút đang nỗ lực triển khai các biện pháp khắc phục khủng hoảng, đẩy mạnh cải cách, tự do hóa nền kinh tế. Bê-la-rút chủ trương phát triển các ngành năng lượng thay thế như điện hạt nhân, nhiên liệu vi sinh, mở rộng đa dạng hóa kinh tế đối ngoại sang các hướng châu Á, Mỹ La tinh, thu hút đầu tư từ châu Âu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Phần lớn hàng hóa của Bê-la-rút hiện tại chỉ đủ sức cạnh tranh ở thị trường Nga và các nước SNG khác.
Tổng thống Lu-ca-sen-cô sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 đã xác định một số định hướng kinh tế của Bê-la-rút trong 5 năm tới: Đổi mới về chất (hiện đại hóa công nghệ, quản lý, xây dựng nền kinh tế trí thức); không thực hiện các cải cách cấp tiến mà ưu tiên sản xuất hàng hóa chất lượng và xuất khẩu sản phẩm, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới (mục tiêu trung hạn là 1/3 khối lượng xuất khẩu sẽ hướng sang các thị trường mới); tiếp tục thực hiện cải tổ cơ cấu kinh tế, tập trung vào hai lĩnh vực nông nghiệp và chế biến gỗ nhằm tăng tỉ trọng sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước; tập trung thu hút đầu tư.
Về thương mại: Chính sách kinh tế – thương mại tập trung phát triển theo hướng mở cửa thị trường, hội nhập với nền kinh tế thế giới, đa dạng hóa quan hệ, tìm kiếm các thị trường mới. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Bê-la-rút bao gồm phân bón, các sản phẩm từ dầu mỏ, máy kéo, xe tải, sợi bông, săm lốp, đồ gỗ…Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm dầu, các sản phẩm từ dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, khí hóa lỏng, kim loại và các sản phẩm từ kim loại, linh kiện máy móc, thiết bị…
Kim ngạch thương mại năm 2013 của Bê-la-rút đạt 79,6 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 36,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt 42,8 tỷ USD; năm 2014 đạt 67,9 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2013, trong đó xuất khẩu đạt 33,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 34,7 tỷ USD; 9 tháng đầu năm 2015 đạt 42,6638 tỷ USD, giảm 26,4%, trong đó, xuất khẩu đạt 20,489 tỷ USD, giảm 26,7%, nhập khẩu đạt 22,1748 tỷ USD, giảm 26,1% tỷ USD. Nga hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Bê-la-rút (kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2012 đạt 45 tỷ USD, năm 2013 đạt 40 tỷ USD, năm 2014 đạt 32,2 tỷ USD). Các đối tác thương mại khác bao gồm: EU (Đức, Ba Lan, Hà Lan, Ý, Lát-via…), SNG (U-crai-na, Ca-dắc-xtan), Trung Quốc, Vê-nê-duê-la, I-ran, Ấn Độ, Bra-xin, Ác-hen-ti-na…
Về đầu tư: Năm 2012, Bê-la-rút đã thu hút được khoảng 14 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, năm 2013 đạt trên 11 tỷ USD, trong đó phần lớn là đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp, mậu dịch và dịch vụ ăn uống. Đầu tư cơ bản năm 2013 đạt 21,9 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2012, năm 2014 giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2013. Đầu tư cơ bản tính đến tháng 9/2015 giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Bê-la-rút thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đề cao độc lập tự chủ, tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ SNG, tham gia Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (gồm Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-ni-a, U-dơ-bê-ki-xtan, Tát-gi-ki-xtan và Cư-rơ-gư-dơ-xtan); Liên minh kinh tế Á – Âu (Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-ni-a, Cư-rơ-gư-dơ-xtan).
Bê-la-rút coi phát triển quan hệ toàn diện với Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Ngày 8/12/1999, Tổng thống hai nước đã ký Hiệp ước thành lập Nhà nước liên minh và một số văn kiện, cụ thể hóa tiến trình liên minh. Tuy nhiên, việc triển khai các thỏa thuận cụ thể liên quan đến cơ cấu và hoạt động của Nhà nước liên minh còn gặp nhiều trở ngại, tuy nhiên, hai bên luôn tìm ra giải pháp cho các bất đồng để thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện. Tháng 10/2011, Bê-la-rút và Nga đã ký Hiệp định xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Bê-la-rút.
Bê-la-rút tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước trong SNG, như Ca-dắc-xtan, A-déc-bai-gian, Gru-dia… nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của Bê-la-rút, hợp tác sản xuất, mở rộng giao lưu văn hóa, chống khủng bố, buôn bán người, ma túy và tội phạm có tổ chức…
Từ năm 1996, sau trưng cầu dân ý kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống A. Lu-ca-sen-cô, quan hệ của Bê-la-rút với Mỹ và phương Tây trở nên phức tạp. Năm 2004, Mỹ đã thông qua Luật Dân chủ Bê-la-rút, cho phép Mỹ cung cấp tài chính cho các nhóm đối lập. Sau khi Tổng thống A. Lu-ca-sen-cô tái đắc cử lần thứ 4 tại cuộc bầu cử tháng 12/2010, quan hệ giữa Bê-la-rút và các nước phương Tây tiếp tục căng thẳng do Nghị viện châu Âu thông qua Nghị quyết yêu cầu EU áp dụng các biện pháp trừng phạt với Ban lãnh đạo Bê-la-rút với lý do vi phạm nhân quyền. Gần 200 quan chức của Bê-la-rút, bao gồm cả Tổng thống A. Lu-ca-sen-cô, bị coi là có liên quan đến các vụ trấn áp nhằm vào phe đối lập sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 19/12/2010, bị cấm nhập cảnh vào EU và bị phong tỏa tài sản tại các nước này.
Hiện nay, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và EU là định hướng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Bê-la-rút. Sau bầu cử Tổng thống 11/10/2015, quan hệ Bê-la-rút – EU, Mỹ có dấu hiệu được cải thiện. EU, Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt với Bê-la-rút: EU bỏ lệnh trừng phạt với Bê-la-rút trong thời gian 4 tháng (kể từ 31/10/2015). Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với 9 công ty của Bê-la-rút, trong đó có Belorusneft, Belneftekhim và chi nhánh Công ty tại Mỹ, Belshina, Grodno Azot…
Bê-la-rút coi trọng hướng đối ngoại châu Á – Thái Bình Dương, trong đó ưu tiên phát triển quan hệ với Trung Quốc. Nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế như năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng đô thị, nông nghiệp, ngân hàng… đã được ký kết với Trung Quốc.
Quan hệ với các nước châu Úc và Mỹ – Latinh tiếp tục được củng cố. Bê-la-rút đã phê chuẩn thỏa thuận miễn visa cho công dân Ê-cu-a-đo và Bra-xin nhập cảnh và xuất cảnh một lần trong thời hạn 90 ngày với mục đích du lịch hay vì việc riêng. Vê-nê-du-ê-la là đối tác hàng đầu của Bê-la-rút trong khu vực. Hai nước đạt được thỏa thuận trị giá khoảng 19,4 tỷ USD về việc Vê-nê-du-ê-la cung cấp dầu lửa cho Bê-la-rút (khoảng 10 triệu tấn dầu/năm) trong giai đoạn 2011 – 2013.
Bê-la-rút là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Phong trào Không liên kết, là quan sát viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (từ tháng 7/2015)…
Ngày 27/12/1991, Việt Nam công nhận độc lập của Bê-la-rút. Ngày 24/1/1992, tại Min-xcơ, Đặc phái viên của Thủ tướng, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và Thứ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Bê-la-rút V.Xen-cô đã ký Nghị định thư thiết lập quan hệ ngoại giao. Bê-la-rút đã lập Đại sứ quán tại Việt Nam từ năm 1998. Việt Nam lập Đại sứ quán tại Bê-la-rút tháng 10/2003 và cử Đại sứ thường trú đầu tiên tại Bê-la-rút tháng 3/2005.
Về quan hệ chính trị, Việt Nam và Bê-la-rút kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp đã có giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây. Hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn cấp cao, trong đó nổi bật là các chuyến thăm CH Bê-la-rút của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (8/1998); Thủ tướng Phan Văn Khải (9/2000); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (10/2002); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (1/2003); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (4/2009); Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải(9/2009); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (5/2010); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (5/2013); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11/2014).
Về phía CH Bê-la-rút thăm Việt Nam có: Tổng thống A.G. Lu-ca-sen-cô (4/1997 và 4/2008); Thủ tướng X.X. Xi-đo-rơ-xki (11/2004); Thủ tướng M. Mi-át-xơ-nhi-cô-vích(11/2011); Chủ tịch Hội đồng Cộng hoà Quốc hội G.V. Nô-vít-xki (5/2005); Chủ tịch Hạ viện V. An-đrây-chen-cô(10/2010); Đặc phái viên của Tổng thống A.G. Lu-ca-sen-cô, Chủ tịch Hạ viện V.N. Cô-nốp-li-ốp (2/2006); Bộ trưởng Ngoại giao V. Ma-cây (3/2014). Hai bên hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, các diễn đàn và tổ chức quốc tế khác. …
Về quan hệ kinh tế: Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt gần 211 triệu (tăng 111% so với năm 20; năm 2012 đạt gần 175 triệu USD (giảm 17% so với cùng kỳ năm 2011); năm 2013 đạt 152,2 triệu USD, trong đó nhập khẩu đạt 138,3 triệu USD, xuất khẩu đạt 13,7 triệu USD; năm 2014 đạt khoảng 107,15 triệu USD, trong đó xuất khẩu 13,98 triệu USD, nhập khẩu 93,17 triệu USD; 8 tháng đầu năm 2015 đạt 95,8 triệu USD. Việt Nam xuất sang Bê-la-rút thủy hải sản, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, cao su tự nhiên, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính…; nhập khẩu phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ô-tô, máy kéo, ô tô tải, hóa chất…
Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Bê-la-rút về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật họp thường niên, đã họp 12 khóa. Tại Khóa họp 9 (11/2012 tại Hà Nội) hai bên đã ký chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Bê-la-rút trong lĩnh vực kinh tế giai đoạn 2013 – 2015. Khóa họp 10 đã diễn ra tại Bê-la-rút tháng 10/2013, Khóa họp 11 diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 12/2014, Khóa họp 12 diễn ra tại Bê-la-rút 26-27/10/2015.
Đàm phán FTA, Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga – Bê-la-rút – Ca-dắc-xtan) đã tiến hành 8 vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do. Ngày 15/12/2014, tại Việt Nam, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã tổ chức Lễ tuyên bố về việc kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do. Tháng 5/2015, Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu ký chính thức Hiệp định thương mại tự do tại A-xta-na, Ca-dắc-xtan.
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Bê-la-rút đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Hiện nay, có khoảng 70 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Bê-la-rút. Về Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước được duy trì và phát triển, các tổ chức khoa học và công nghệ hai nước hợp tác chặt chẽ, nhiều dự án đã được triển khai và có kết quả tốt. Ủy ban hợp tác về khoa học và kỹ thuật Việt Nam – Bê-la-rút đã tiến hành được 08 khóa họp. Hợp tác lao động là hướng hợp tác mới triển vọng giữa hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty xây dựng của Bê-la-rút đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Công trình xây dựng khu thể thao giải trí tại thủ đô Min-xcơ. Hiệp định liên Chính phủ về làm việc có thời hạn của công dân hai nước trên lãnh thổ của nhau ký 29/11/2011 có hiệu lực từ 6/6/2013.
Hợp tác giữa các địa phương hai nước được tích cực thúc đẩy, hai bên đã ký các văn kiện hợp tác giữa Hà Nội và Min-xcơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Min-xcơ; Đà Nẵng và tỉnh Gờ-rốt-nô; Quảng Ninh và Min-xcơ, Grốt-nô và Bờ-rét-xtơ; Hải Phòng, Bình Thuận và Vi-chép-xcơ, Quảng Nam và Mô-gi-lốp. Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực an ninh – quốc phòng, y tế, văn hóa – thông tin, thể thao – du lịch.
Cộng đồng Việt Nam ở Bê-la-rút có khoảng 1500 người (bao gồm: người Việt định cư, làm ăn sinh sống tại đây – khoảng 600 người, sinh viên – khoảng 100 người, lao động làm việc có thời hạn theo hợp đồng – khoảng 800 người) nhìn chung được chính quyền tạo điều kiện tương đối thuận lợi trong học tập, cư trú và kinh doanh theo pháp luật sở tại. Tháng 12/2006, Tổng thống A. Lu-ca-sen-cô đã cho phép những công dân Việt Nam đã lao động, học tập tại Bê-la-rút trước năm 1992 được định cư hợp pháp, lâu dài ở Bê-la-rút.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Bê-la-rút nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bê-la-rút, đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước; duy trì trao đổi đoàn cấp cao nhằm củng cố quan hệ chính trị tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Chuyến thăm cũng nhằm kiểm điểm tình hình triển khai những thỏa thuận cấp cao đã đạt được; trao đổi các biện pháp và phương hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực; tiếp tục phối hợp hành động, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()