Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Myanmar
Việt Nam và Myanmar có những điểm tương đồng về văn hóa, tôn giáo, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, có vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á và đều hướng tới sự đoàn kết, thống nhất trong khu vực.
Ngày 13/3, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp ông Ye Aung, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề biên giới Myanmar đang có chuyến thăm và làm việc tại nước ta.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh chuyến thăm và kết quả làm việc tốt đẹp của đoàn với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và cho rằng hai nước Việt Nam và Myanmar có những điểm tương đồng về văn hóa, tôn giáo, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, có vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á và đều hướng tới sự đoàn kết, thống nhất trong khu vực. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Aung San xác lập trên cơ sở những nét tương đồng đó đã tạo nền tảng hướng tới mối quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện hiện nay.
Việt Nam luôn trân trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Myanmar và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước về mọi mặt, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình của Myanmar, đồng thời tin tưởng vào quá trình hòa hợp, hòa giải dân tộc của Myanmar sẽ thành công trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, hệ thống chính sách đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, chăm lo cho đồng bào dân tộc của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và đang tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước cũng như tiến bộ xã hội, theo tinh thần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cũng như mong muốn học hỏi các kinh nghiệm hay của Myanmar liên quan đến vấn đề dân tộc.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đánh giá cao những bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong quan hệ hai nước, đặc biệt là việc hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác hợp tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 8/2017. Kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 828,3 triệu USD năm 2017 (tăng 51% so với năm 2016), vượt mục tiêu 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra. Việt Nam trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 70 dự án với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao mối quan hệ của hai nước trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị hai nước tiếp tục trao đổi các đoàn cấp cao và tăng cường cơ chế đối thoại giữa hai nước, chuẩn bị cho Kỳ họp của Phân ban Hợp tác Việt Nam-Myanmar. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị Myanmar tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Myanmar, tăng cường hợp tác và giao lưu nhân dân giữa các thành phố của hai nước.
Về hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Các vấn đề biên giới Myanmar, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho sự hợp tác này, nhất là chia sẻ kinh nghiệm về chính sách dân tộc của Việt Nam với Myanmar và mong muốn Myanmar sớm trở thành thành viên của Ủy hội sông Mekong vào thời gian tới.
Cảm ơn Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã dành thời gian tiếp đoàn, Bộ trưởng Ye Aung cho biết, Việt Nam và Myanmar có mối quan hệ gắn bó lâu dài. Hai nước đã hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Hai nước cũng thiết lập mối quan hệ ngoại giao rất sớm từ năm 1957 và mối quan hệ này đã được nâng cấp qua thời gian.
Bộ trưởng cũng thông tin về kết quả chuyến thăm, làm việc của đoàn tại Việt Nam và cho biết, mục tiêu chuyến công tác này là tăng cường hợp tác về công tác dân tộc giữa hai quốc gia, đoàn đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về công tác dân tộc. Qua đó, mong muốn sự hợp tác của Ủy ban Dân tộc và Bộ Các vấn đề biên giới Myanmar gặt hái được nhiều thành quả trong tương lai, thúc đẩy quan hệ ngoại giao hai nước.
Bộ trưởng Ye Aung cho biết, quá trình hòa giải và hòa hợp dân tộc của Myanmar cần một thời gian, đây cũng là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển của Nhà nước Myanmar. Myanmar mong muốn nhận được sự ủng hộ của Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung để xây dựng đất nước Myanmar ngày càng phát triển, phồn vinh./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()