Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Nô-đa I-ô-si-hi-cô, hôm nay (30-10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Nhật Bản. Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi được QH khóa XIII tín nhiệm bầu tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.Đến thăm đất nước Mặt trời mọc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với lãnh đạo và nhân dân Nhật Bản về những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh. Bằng lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, nhân dân Nhật Bản đã đưa đất nước nghèo tài nguyên, bị chiến tranh tàn phá nặng nề trở thành một trong những nước có tiềm lực kinh tế lớn hàng đầu thế giới, trình độ khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Nhân dịp này, một lần nữa, chúng ta bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với những tổn thất nặng nề do thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản ngày 11-3-2011 gây ra; đồng thời khẳng...
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Nô-đa I-ô-si-hi-cô, hôm nay (30-10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Nhật Bản. Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi được QH khóa XIII tín nhiệm bầu tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Đến thăm đất nước Mặt trời mọc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với lãnh đạo và nhân dân Nhật Bản về những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh. Bằng lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, nhân dân Nhật Bản đã đưa đất nước nghèo tài nguyên, bị chiến tranh tàn phá nặng nề trở thành một trong những nước có tiềm lực kinh tế lớn hàng đầu thế giới, trình độ khoa học – kỹ thuật tiên tiến. Nhân dịp này, một lần nữa, chúng ta bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với những tổn thất nặng nề do thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản ngày 11-3-2011 gây ra; đồng thời khẳng định
Việt Nam luôn luôn ủng hộ, sẵn sàng làm tất cả trong khả năng của mình để hỗ trợ Nhật Bản khắc phục hậu quả thiên tai. Mặc dù đang phải gánh chịu những tổn thất hết sức nặng nề do thảm họa động đất, sóng thần và sự cố Nhà máy điện hạt nhân gây ra, nhưng với ý chí vượt khó, cùng với tiềm lực kinh tế hùng hậu, nhân dân đất nước Mặt trời mọc vẫn có đủ ý chí để vượt mọi khó khăn, tiếp tục phát triển, tạo điều kiện để Chính phủ của Thủ tướng Nô-đa I-ô-si-hi-cô thực hiện những ưu tiên, gồm khắc phục hậu quả thiên tai, cải cách cơ cấu kinh tế – tài chính, chế độ phúc lợi xã hội, tăng đầu tư vào khu vực nông thôn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị…
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Năm 1992, Nhật Bản nối lại viện trợ phát triển cho nước ta. Từ năm 1993 đến nay, các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao, các chuyến thăm chính thức lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì thường xuyên. Sự hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương cũng được mở rộng. Quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đạt được bước phát triển quan trọng. Năm 2008, hai bên đã ký Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 4-2009, hai bên ký Tuyên bố chung Phát triển quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Các hoạt động giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân được mở rộng; hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, du lịch, lao động… được tăng cường.
Nhật Bản khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với nước ta. Nhật Bản cũng coi trọng việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN, trong đó có Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN 1, ASEAN 3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Việt Nam luôn luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; đánh giá cao vai trò của Nhật Bản tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giới doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh. Hai bên đã tạo dựng cơ chế đối thoại ở nhiều cấp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, trong đó có LHQ.
Nhật Bản đứng đầu danh sách cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho nước ta (hơn 16 tỷ USD). Trong tài khóa 2010, Nhật Bản cam kết viện trợ ODA trị giá 1,76 tỷ USD giúp Việt Nam tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đối phó biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo… Kim ngạch thương mại hai nước không ngừng tăng. Sau giai đoạn chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Nhật Bản đã phục hồi rõ rệt trong năm 2010, đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 21,7% so năm 2009. Đến hết tháng 9-2011, kim ngạch thương mại song phương đạt 14,9 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 7,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,42 tỷ USD. Nhật Bản có 1.572 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 21,78 tỷ USD, đứng thứ tư trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam. Việc Chính phủ hai nước thực hiện tốt các thỏa thuận, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) và các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía, góp phần mở rộng giao lưu kinh tế – thương mại – đầu tư giữa hai nước. Hai bên đã lập Diễn đàn trao đổi thông tin về Quy chế kinh tế thị trường tại Việt Nam. Những năm gần đây, Nhật Bản còn là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo cũng như là thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam.
Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra vào lúc quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp. Chuyến thăm nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản; đồng thời thúc đẩy và đạt cam kết cụ thể trong việc triển khai các nội dung và dự án hợp tác kinh tế mang tầm chiến lược mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.
Chúc chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân thành công tốt đẹp, tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()