Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Ngày 28/9, trong buổi tiếp Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức Jochen Flasbarth, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức và hoan nghênh sự phát triển tích cực trong hợp tác kinh tế song phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tiếp Quốc Vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và phát triển Đức Jochen Flasbarth. (Ảnh: TTXVN) |
Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và đứng thứ sáu ở châu Á. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU, trong đó có Đức. Phó Thủ tướng đề nghị Đức sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) xem xét sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản của Việt Nam.
Phó Thủ tướng cảm ơn Đức đã xác định Việt Nam là đối tác toàn cầu trong chiến lược Hợp tác phát triển đến năm 2030, tập trung vào các lĩnh vực môi trường, năng lượng và đào tạo nghề, cũng như hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn, trên cương vị Chủ tịch G7 trong năm 2022, Đức hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính xanh của G7 và các thể chế tài chính quốc tế, các tập đoàn tư nhân lớn, cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.
Quốc vụ khanh Jochen Flasbarth khẳng định, Đức mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực và cùng Việt Nam hiện thực hóa các cam kết về khí hậu, cũng như chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi năng lượng.
★ Trong khuôn khổ chuyến thăm Đức từ ngày 26 đến 27/9, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tới chào Tổng thống, Chủ tịch Hội đồng liên bang, làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ hiến bang Hessen… Tại các cuộc gặp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các nhà lãnh đạo Đức đều khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai nước tiếp tục triển khai hiệu quả EVFTA; mong muốn Quốc hội Đức sớm hoàn tất phê chuẩn EVIPA và Chính phủ Đức ủng hộ EC sớm gỡ thẻ vàng đối với thủy sản của Việt Nam, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và thương mại giữa hai nước.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, cùng chia sẻ lập trường về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực, giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Ý kiến ()