Thúc đẩy phục hồi kinh tế EU
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất tiếp tục đình chỉ quy định về giới hạn thâm hụt ngân sách đối với các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Ðề xuất nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ các nước kịp thời hỗ trợ nền kinh tế vượt qua thách thức và sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Hiệp ước bình ổn và tăng trưởng của EU quy định, các quốc gia thành viên phải giữ thâm hụt ngân sách hằng năm ở mức dưới 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Những nước vi phạm sẽ đối mặt hình phạt. Quy định này cho phép EU giám sát chi tiêu của các nước thành viên, nhằm tránh nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, vào tháng 3-2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, đặt nền kinh tế của khối trước vô vàn thách thức, EU đã lần đầu tạm thời đình chỉ quy định nêu trên và cho phép các nước thành viên tự do chi tiêu. Hiện, trong bối cảnh những tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế EU chưa có dấu hiệu ngừng lại, việc hoãn quy định về giới hạn thâm hụt ngân sách một lần nữa được EC xem xét. Theo đó, EC đề xuất tiếp tục đình chỉ quy định đến năm 2022 và kích hoạt trở lại vào năm 2023, thời điểm các nền kinh tế thành viên được dự báo có thể trở lại trạng thái như trước khi đại dịch bùng phát.
Việc đình chỉ quy tắc nghiêm ngặt về quản lý thâm hụt ngân sách được xem là một giải pháp tình thế, cho phép các nước EU tự do chi tiêu để giải cứu nền kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn sóng gió do đại dịch. Phó Chủ tịch EC V.Ðôm-brốp-xki khẳng định, trên cơ sở xem xét tình hình kinh tế hiện nay của EU, đề xuất EC đưa ra là cần thiết. Năm 2020, nền kinh tế 27 quốc gia thành viên EU chao đảo vì dịch bệnh, với mức giảm 6,3%. Trong thông báo mới nhất, EU cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của khối, do đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành, khiến nhiều quốc gia phải áp đặt lệnh phong tỏa. EC nhận định, tăng trưởng GDP của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) dự kiến đạt 3,8% trong năm nay, giảm so mức dự báo 4,2% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 11-2020, trong khi nền kinh tế EU chỉ tăng trưởng 3,7% trong năm 2021.
Ủy viên phụ trách kinh tế của EU P.Gien-ti-lô-ni cho rằng, đại dịch sẽ để lại những vết sẹo khó lành cho nền kinh tế EU, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và các doanh nghiệp rơi vào làn sóng phá sản. Việc cho phép tự do chi tiêu mang lại cho chính phủ các nước EU sự linh hoạt cần thiết để thực hiện các biện pháp hỗ trợ hệ thống y tế và an sinh xã hội, cũng như bảo vệ nền kinh tế.
Trên thực tế, việc EU tạm ngừng các quy định về tài khóa trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi để chính phủ các nước thành viên tung ra các gói cứu trợ, nhằm hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Ðức, quốc gia đầu tàu EU, vốn tuân thủ chặt chẽ các quy định về cân bằng ngân sách, đã đưa ra những gói kích thích kinh tế khổng lồ, được ví như “liều kháng sinh” đối với nền kinh tế. Thủ tướng A.Méc-ken từng nhấn mạnh, đây là các biện pháp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Ðức. Trong khi đó, các nước EU khác như Pháp, Bỉ, I-ta-li-a… cũng mạnh tay chi tiêu cho hoạt động chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Giới phân tích nhận định, các gói cứu trợ đã phát huy tác dụng, trở thành những công cụ đắc lực, hỗ trợ con tàu kinh tế EU chống chọi với sóng gió do cơn bão Covid-19 gây ra.
Tháng 5 tới, EC dự kiến đưa ra các dự báo mới về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tình hình lạm phát và tài chính công của EU. Các Bộ trưởng Tài chính EU sẽ dựa trên những đánh giá này, để ra quyết định cuối cùng về việc có tiếp tục đình chỉ quy định giới hạn thâm hụt ngân sách đối với các nước thành viên hay không. Ủy viên phụ trách kinh tế của EU P.Gien-ti-lô-ni khẳng định, EC sẽ nỗ lực duy trì một chính sách tài khóa cân bằng, nhằm hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế EU.
Ý kiến ()