Thúc đẩy phát triển kinh tế
LSO-Thời gian qua, nhiều tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa giữa Lạng Sơn với các tỉnh bạn và nước láng giềng Trung Quốc. Hệ thống giao thông từng bước hoàn thiện tạo đà thúc đẩy các ngành kinh tế và sự phát triển chung của tỉnh.
Người dân thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình bê tông hóa đường giao thông |
Quốc lộ 31 đoạn qua huyện Đình Lập hoàn thiện và được đưa vào sử dụng trong năm 2016 đã tạo bước chuyển đáng kể trong sản xuất, sinh hoạt của người dân các xã: Bắc Xa, Kiên Mộc, Bính Xá, thị trấn Nông trường Thái Bình. Từ khi tuyến đường được thảm nhựa, người dân đi lại thuận lợi, sản phẩm sản xuất được như: chè, nhựa thông, hồi, sa nhân, vật nuôi… được vận chuyển dễ dàng ra các chợ, cửa khẩu, sang tỉnh bạn. Anh Nông Văn Tùng, xã Bính Xá, huyện Đình Lập cho biết: Trước đây, lợn, gà chăn nuôi được thường bị tư thương ép giá, nhiều khi mưa bão, mình cần tiền nhưng đường khó không ra chợ bán được nên đành phải gọi họ. Giờ đi lại dễ dàng, hàng hóa, vật liệu lấy từ thị trấn lên rẻ hơn trước, nông sản mình làm ra lại bán được giá cao hơn.
Giao thông vận tải tuy không trực tiếp tạo ra sản phẩm song lại giúp tăng giá trị sản phẩm bằng cách đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh, hạ tầng giao thông phát triển đã giúp người dân các khu vực, đặc biệt là khu vực nông thôn quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương đến thị trường trong và ngoài tỉnh thậm chí là ra nước ngoài. Ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Lạng Sơn cho biết: Mạng lưới giao thông là huyết mạch của nền kinh tế – xã hội, vì vậy, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được ưu tiên hàng đầu. Hằng năm, tỉnh triển khai nhiều dự án giao thông với vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tích cực vào cuộc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tính đến đầu năm 2016, 94,24% số xã trên địa bàn tỉnh có đường giao thông, ô tô đến trung tâm được 4 mùa; 2.189/2.320 thôn, bản có đường ô tô. Giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng 16 tuyến đường tỉnh, huyện, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường tỉnh lên trên 80%, đường huyện trên 35%.
Các tuyến đường được nâng cấp, người dân đi lại dễ dàng, hơn hết họ hiểu sâu sắc “có lộ là có lợi”, do đó, phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn được triển khai mạnh mẽ. Từ năm 2011 – 2015, toàn tỉnh bê tông hóa được 1.378 km đường với tổng kinh phí 726,8 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 404,3 tỷ đồng và 2,4 triệu ngày công lao động, hiến hơn 865 nghìn mét vuông đất làm đường… Nhờ đó, tỷ lệ bê tông hóa giao thông nông thôn đạt 28%. Riêng 9 tháng năm 2016, toàn tỉnh mở mới 55 km đường; duy tu bảo dưỡng 3.550 km; bê tông hóa 185 km đường giao thông nông thôn.
Hiện nay, Sở Giao thông – Vận tải tiếp tục tham mưu với tỉnh và làm việc với các bộ, ngành trung ương đề nghị huy động vốn thực hiện các dự án, công trình theo kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020. Trong đó có một số công trình, tuyến trọng điểm như: xây dựng cao tốc Lạng Sơn – Bắc Giang; xây dựng cầu Kỳ Cùng, thảm nhựa một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Cùng đó, đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến đường tỉnh, huyện đảm bảo hoàn thành tiêu chí về nông thôn mới; hoàn thiện hạ tầng giao thông các tuyến đường ra cửa khẩu, đường nối với đường tuần tra biên giới…
Hạ tầng giao thông hoàn thiện không chỉ tạo nên bước chuyển tích cực, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh mà còn góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Ông Hải cho biết thêm: Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tranh thủ các nguồn vốn từ trung ương, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, thu hút vốn ODA để đầu tư các dự án quan trọng và tăng cường xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()