Thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu
LSO-Từ nguồn vốn vay nước ngoài (ODA), hàng loạt các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu từ vùng sâu đến khu vực cửa khẩu biên giới được triển khai xây dựng. Qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo mảnh đất biên giới Lạng Sơn trên chặng đường hội nhập phát triển.
Nhà thầu huy động thiết bị máy móc thảm mặt đường cao tốc |
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, việc huy động có hiệu quả nguồn vốn vay ODA để triển khai các chương trình phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu có ý nghĩa to lớn. Đối với tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn, việc tìm kiếm được nguồn vốn ODA phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng lại càng có ý nghĩa quan trọng. Từ năm 2011 đến nay, Lạng Sơn đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA.
Từ năm 2011 đến tháng 3/2018, trên địa bàn tỉnh đã, đang triển khai khoảng 20 chương trình dự án sử dụng vốn ODA. Theo đó, vốn ODA của tỉnh tập trung đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trên các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, giáo dục, y tế, hạ tầng đô thị và cấp thoát nước. Nếu tính về địa phương, huyện Cao Lộc là địa bàn được triển khai nhiều dự án ODA nhất, kế đến là các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Tràng Định, Đình Lập, Lộc Bình…
Trong số các dự án đã, đang được triển khai thì số dự án đầu tư khu vực vùng sâu, đặc biệt khó khăn chiếm phần lớn với khoảng 85% số dự án. Nhiều dự án hoàn thành đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội khu vực vùng khó phát triển.
Thi công cầu dự án LRAMP sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng |
Một trong những dự án điển hình về hiệu quả kinh tế – xã hội đang được tỉnh khẩn trương triển khai, đó là dự án quả lý tài sản địa phương (LRAMP) nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Dự án này thực hiện tại tỉnh năm 2017 – 2018 bao gồm 21 cầu bê tông dân sinh tại 11 huyện, thành phố và 2 công trình đường giao thông nông thôn thực hiện tại huyện Đình Lập và Bắc Sơn, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Theo kế hoạch trong tháng 6/2018, các dự án phải hoàn thành xây lắp bàn giao đưa vào sử dụng, hiện khối lượng thực hiện đạt khoảng 75% kế hoạch.
Ông Nguyễn Khánh Vinh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông, Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Khi triển khai thi công công trình tại các xã, bà con rất ủng hộ, hiến đất và bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công. Đến nay, hợp phần 21 cầu dân sinh đã hoàn thành 3 cầu, các cầu còn lại đều đã thi công xây lắp đạt trên 70% kế hoạch, hợp phần đường đang được đẩy nhanh.
Một dự án khác đã hoàn thành và đang khai thác hiệu quả, đó là dự án phát triển toàn diện kinh tế – xã hội đô thị Hưng Yên – Việt Trì – Đồng Đăng sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đối với tỉnh Lạng Sơn, có 3 hợp phần đầu tư tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc gồm: tòa nhà Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; cơ sở hạ tầng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cải tạo hệ thống thoát nước thị trấn Đồng Đăng với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Các dự án hoàn thành đã tạo diện mạo mới cho khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị nói riêng và thị trấn Đồng Đăng nói chung.
Ông Sái Vĩnh Chung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng cho biết: Trước đây, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị tuy đã được đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, khi các dự án ADB tài trợ triển khai hoàn thành, bộ mặt cửa khẩu và đô thị Đồng Đăng có sự thay da, đổi thịt rõ nét.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục dự án đã, đang chuẩn bị hoàn thành. Được biết, từ năm 2011 đến nay, tổng mức đầu tư các dự án ODA khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA khoảng gần 2.200 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng trong nước, kết quả giải ngân các dự án khoảng 1.000 tỷ đồng.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()