Thúc đẩy phát triển hòa nhập và tham gia của người khuyết tật trong ASEAN
Thời gian qua, Mạng lưới các chuyên gia về doanh nghiệp hòa nhập ASEAN đã góp phần thúc đẩy sự phát triển hòa nhập và sự tham gia của người khuyết tật trong Cộng đồng ASEAN, giúp hiện thực hóa và thúc đẩy Thập kỷ ASEAN của người khuyết tật.
Sự kiện do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam tổ chức.
Chương trình có sự tham dự của 10 quan chức/đầu mối phụ trách phúc lợi xã hội và phát triển các nước thành viên ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, các đối tác hợp tác trong ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, mục tiêu của NIEA là nhằm hình thành một nền tảng để hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật và các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội thông qua một chiến lược hỗ trợ những người/những nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương có thể tham gia các hoạt động kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp bằng cách thích ứng những mục tiêu và kế hoạch kinh doanh để phù hợp với đặc thù và nhu cầu của từng nhóm; cũng như tăng cường khả năng tiếp cận tới các nguồn lực tài chính đa dạng từ cộng đồng và các đối tác.
Ông Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao những nỗ lực của Thái Lan trong vai trò sáng lập và điều phối Mạng lưới trong suốt 3 năm khi mới thành lập. Tiếp bước những nỗ lực đó, Việt Nam cũng đã tăng cường trao đổi về vấn đề việc làm và những chính sách hỗ trợ việc làm, tăng cường kỹ năng tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật.
Những chia sẻ của Mạng lưới thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển hòa nhập và sự tham gia của người khuyết tật trong Cộng đồng ASEAN, giúp hiện thực hóa và thúc đẩy Thập kỷ ASEAN của Người khuyết tật. Đồng thời, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong thực hiện các quyền của người khuyết tật; khuyến khích các nước thành viên ASEAN ban hành, thực thi các chính sách, chương trình về hỗ trợ việc làm, kinh doanh hòa nhập cho người khuyết tật.
Ông Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh. Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, già hóa dân số cũng mang đến những thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, việc làm…
Ông Ngô Trọng Vịnh khẳng định, người cao tuổi Việt Nam mong muốn được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của Mạng lưới, của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; được nâng cao kiến thức, khoa học công nghệ, kỹ năng cần có để khởi sự kinh doanh; được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển ngành nghề, công việc kinh doanh. Qua đó, nâng cao cuộc sống bản thân, gia đình và hỗ trợ cộng đồng.
Tại Cuộc họp, các đại biểu tham dự chia sẻ những thành tựu đạt được của NIEA giai đoạn 2017-2020 và kết quả hoạt động trong năm 2020-2021. Các cơ quan, tổ chức thuộc ASEAN cũng chia sẻ nhiều thông tin nhằm nêu bật nỗ lực góp phần nâng cao khả năng tham gia doanh nghiệp hòa nhập cho người cao tuổi trong ASEAN và các lĩnh vực hỗ trợ và hợp tác chính trong tương lai theo Kế hoạch làm việc tương ứng của mỗi cơ quan ASEAN cho giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, các thành viên ASEAN đã trao đổi kinh nghiệm của mình, tập trung vào luật pháp, chính sách, điển hình tốt về thúc đẩy việc tăng năng lực kinh tế cho người cao tuổi thông qua hoạt động kinh doanh hòa nhập. Cùng với đó, là những thách thức và cơ hội đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và nền kinh tế kỹ thuật số; cách thức NIEA có thể đóng góp vào việc nâng cao vị thế kinh tế cho người cao tuổi. Từ đó, đưa ra phương hướng thúc đẩy phát triển hòa nhập và khởi sự kinh doanh cho người cao tuổi ở ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh của sự phát triển của kỹ thuật số, của cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch bệnh…
Các nước thành viên đã cùng xây dựng một bản Khuyến nghị chung về Thúc đẩy doanh nghiệp hòa nhập cho người cao tuổi, hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để gửi lên các quan chức, các bộ trưởng phụ trách phúc lợi xã hội và phát triển ghi nhận.
Theo Nhandan
Ý kiến ()