Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam
Lần đầu tiên được tổ chức, diễn đàn dự kiến thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhất là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Đây là sự kiện hàng đầu đối với cộng đồng ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu, phát triển công nghệ; là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Diễn đàn chính là một khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Các chủ đề sẽ được trình bày và tập trung thảo luận tại diễn đàn lần này bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; Giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ.
Bên cạnh đó, bên lề diễn đàn có triển lãm trưng bày một số sản phẩm, giải pháp công nghệ đã được ứng dụng trong thực tiễn, tiềm năng lớn, hiệu quả kinh tế xã hội mang lại cao do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sản xuất và cung cấp. Khu trưng bày được thiết kế và chia theo năm khu vực: Công nghiệp 4.0; Kinh tế, tài chính, thương mại điện tử; Giao thông, xây dựng và tài nguyên, môi trường; Y tế, du lịch; Nông nghiệp và Chuyển đổi số.
Trong hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, tốc độ cao, góp phần giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm, thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, một cách khách quan, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong những năm qua chủ yếu theo bề rộng, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, chất lượng tăng trưởng thấp, hiệu quả của tăng trưởng hạn chế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa còn thấp, năng suất lao động chưa cao,….
Trong khu vực, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã trở thành những con rồng châu Á, những cường quốc thế giới chỉ trong khoảng vài thập kỷ gần đây là dựa vào phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ như Sony, Toshiba, Samsung, LG,… đã đi đầu trong phát triển nhiều công nghệ mới của thế giới và qua đó tạo dựng sức mạnh kinh tế của các quốc gia này.
Cơ hội hóa rồng cho Việt Nam đang đến với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT, lĩnh vực mà người Việt Nam có nhiều tiềm năng. Vì vậy, ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là một trong các giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện phát triển, sản xuất công nghệ hay cung cấp các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ trong các lĩnh vực. Đó là các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, sản xuất phần cứng điện tử, phần mềm, nội dung số (doanh nghiệp ICT truyền thống) như FPT, Viettel, VNPT, BKAV, CMC, Misa, VcCorp;… các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ như Foody, Lozi, Vntrip, TopCV, Monkey Junior;… các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ như Vingroup, Genetica;… |
Ý kiến ()