Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Có thể nói toàn bộ các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng như phát triển công nghệ mới cho mỗi quốc gia đều xuất phát từ công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Nhật Bản là nước có nền kinh tế và công nghiệp phát triển bậc nhất châu Á và nhất nhì thế giới, trong đó nổi bật là ngành công nghiệp ô-tô và điện tử.
Có thể nói toàn bộ các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng như phát triển công nghệ mới cho mỗi quốc gia đều xuất phát từ công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Nhật Bản là nước có nền kinh tế và công nghiệp phát triển bậc nhất châu Á và nhất nhì thế giới, trong đó nổi bật là ngành công nghiệp ô-tô và điện tử.
Đó là thành quả của những chính sách vĩ mô đúng đắn, đặc biệt trong định hướng phát triển CNHT. Hiện, ở Nhật Bản có nhiều công ty tầm cỡ thế giới, nhưng chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp (DN) trong nước và công việc chủ yếu của những công ty này vẫn là lắp ráp – sản xuất ở khâu cuối cùng, còn 90% số DN cấp thấp (DN vừa và nhỏ) sản xuất các linh kiện. Từ năm 1936, Nhật Bản đã có Quỹ Tài chính đầu tư vốn giúp DN vừa và nhỏ có thể vay vốn chỉ trong ba ngày. Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ DN về công nghệ, hiện Nhật Bản có tới 110 trung tâm hỗ trợ máy móc thiết bị công nghệ mới. Nhật Bản đã xây dựng 47 trung tâm hỗ trợ công nghệ, các địa phương đều có cơ sở dữ liệu riêng với sự tham gia của chính quyền, DN, nhà nghiên cứu. Các cơ sở này có chất lượng cao, cung cấp thông tin chi tiết về các nhà cung cấp và rất dễ tiếp cận.
Ở Ma-lai-xi-a, hiện CNHT có thể thỏa mãn tới 60% tỷ lệ mua sắm nội địa, giúp cho quốc gia này bùng nổ, phát triển kinh tế và tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm vừa qua (năm 2012, GDP của Ma-lai-xi-a đạt gần 10.000 USD/người). Để làm được điều đó, từ năm 1996, Ma-laixi-a đã thành lập Công ty Phát triển Công nghệ nhỏ và vừa với nhiệm vụ thúc đẩy hỗ trợ DN nhỏ và vừa nghiên cứu phát triển công nghệ, đồng thời tiếp thu công nghệ mới từ nước ngoài, cung cấp hỗ trợ về tài chính, tiếp cận thị trường, tư vấn dịch vụ, cấu trúc và nhiều khía cạnh khác…
Ngành CNHT Việt Nam hiện nay được so sánh với những năm 30-40 của thế kỷ trước tại Nhật Bản và những năm 70-80 của Ma-lai-xi-a.
Nhận thức được điều đó, nước ta đã có những chính sách (mặc dù còn hạn chế) để khuyến khích phát triển CNHT. Riêng TP Hà Nội cũng đã có một loạt các chính sách, chương trình, chẳng hạn như Chương trình 77/CTrUBND và Kế hoạch 131/KHUBND để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ phát triển CNHT. Tuy nhiên, các DN Việt Nam nói chung và DN Hà Nội nói riêng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn khi tiếp cận với các chính sách đó một cách riêng lẻ, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế thế giới và Việt Nam đang suy giảm nghiêm trọng như hiện nay. Trước tình hình đó, được sự cho phép của TP Hà Nội và sự bàn bạc, thống nhất của các DN, Hiệp hội ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA) đã ra đời để cùng nhau tiến bước trong sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng và cơ hội cho mỗi DN hội viên phát triển. Cụ thể: HANSIBA sẽ là nơi hội tụ và là đầu mối tiếp cận với chính sách, nguồn vốn, công nghệ sản xuất, tiếp cận thị trường, đào tạo lao động, liên kết sản xuất, tạo mặt bằng sản xuất cho mỗi hội viên cùng nhau sản xuất các sản phẩm CNHT, tham gia vào chuỗi sản phẩm CNHT Việt Nam và toàn cầu.
Thực hiện đúng theo kế hoạch, Hiệp hội sẽ thiết thực đóng góp vào kế hoạch đưa Hà Nội phấn đấu cơ bản về đích trước từ một đến hai năm sự nghiệp hoàn thành công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, tiên tiến vào năm 2020 của Việt Nam như Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV đã đề ra.
Nếu 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho phép và động viên thành lập các Hiệp hội DN CNHT của từng tỉnh, thành phố thì 63 Hiệp hội CNHT sẽ là liên hiệp rất lớn, đủ mạnh để cùng nhau xây dựng ngành CNHT Việt Nam, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu giàu mạnh.
Kế hoạch triển khai nhiệm kỳ 2013 – 2018 của HANSIBA
* Phát triển hội viên 2014-2018: – 2013-2014: từ 56 đến 150 hội viên.
– 2014-2018: từ 150 đến 500 hội viên chính thức sản xuất các sản phẩm CNHT và khoảng 1.500 hội viên liên kết.
* Phấn đấu doanh thu và nộp ngân sách nhà nước, tạo việc làm mới: – Mỗi DN hội viên doanh thu khoảng 50 tỷ đồng, sử dụng khoảng 100 lao động và nộp ngân sách 5 tỷ đồng.
– Nếu ổn định trong năm 2018 thì sẽ tạo được giá trị nộp ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng cho TP Hà Nội và tạo ra khoảng 50.000 việc làm mới.
* Từ năm 2014-2018: Có các kế hoạch hành động cụ thể phối hợp với các cơ quan trung ương và TP Hà Nội cũng như các đối tác nước ngoài để định hướng, dẫn dắt, hợp tác với các DN hội viên sản xuất, kinh doanh phát triển, đặc biệt là sản phẩm CNHT.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()