Nếu như cách đây vài năm, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D – cụm từ thường được dùng trong hoạt động quản trị doanh nghiệp) vẫn còn rất xa lạ với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thì thời gian gần đây, các DN sản xuất, cung ứng dịch vụ đã bắt đầu chú trọng đến hoạt động này nhằm có thể đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường và thực hiện chiến lược phát triển của DN.
Tuy nhiên, sự đầu tư chưa thỏa đáng cũng như những khó khăn trong việc triển khai hoạt động R&D đã dẫn đến khả năng phát triển của DN vẫn bị bó hẹp trong khuôn khổ thuần túy, cứng nhắc, gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực DN.
Thua trên sân nhà vì không có R&D
Mới đây, câu chuyện về lỗ hổng của máy rút tiền ATM (ổ khóa của ATM có thể bị tiến công) trên thế giới khiến không ít người lo ngại về an ninh đối với các khoản tiền của mình ở ngân hàng. Các ngân hàng Việt Nam đã trấn an dư luận khi cho biết các máy ATM ở Việt Nam phần lớn là máy nhập khẩu đời mới do vậy, khả năng về những lỗ hổng là không quá lo ngại. Tuy nhiên, từ câu chuyện này cho thấy việc không đầu tư nghiên cứu cải tiến máy ATM hoặc có những chuyển giao công nghệ để tiến tới làm chủ và ứng dụng với những điều kiện sử dụng phù hợp trong nước đang đặt ra một câu hỏi lớn đối với ngành ngân hàng, vốn liên tục công bố lãi trong những năm gần đây. Đến nay, cả nước có hơn 10.000 máy ATM, trong đó chủ yếu là dòng máy NCR do Microtec phân phối và máy Diebold do Diebold phân phối, số tiền mua máy ATM lên đến hàng triệu USD. Phần lớn các chức năng của máy ATM đều thực hiện theo chế độ của đơn vị cung cấp hàng, loại trừ một số ít đặt hàng chìa khóa bảo mật riêng. Hiện trong nước, chỉ có Ngân hàng TMCP Đông Á, nhờ tự nghiên cứu, đầu tư cải tiến một số chức năng của máy ATM mà máy ATM Đông Á có khả năng vừa nhận tiền vừa nhả tiền. Đây là máy ATM trong nước duy nhất có tính năng ưu việt này. Chính sự nghiên cứu, đầu tư cải tiến máy ATM đã giúp cho ngân hàng TMCP Đông Á giành được một lượng khách hàng lớn sử dụng dịch vụ ATM của mình.
Câu chuyện cải tiến máy ATM nêu trên chỉ là một trong những thí dụ về hoạt động R&D ở DN Việt Nam. R&D là một trong những khâu quan trọng trong quy trình sản xuất, kinh doanh của mỗi DN, cho phép DN liên tiếp đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, hấp dẫn khách hàng. Đây được coi là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của DN trên thị trường. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo Lương Vạn Vinh cho rằng, chính sự chậm thay đổi mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm hay chưa có những sản phẩm mới có tính đột phá mà phần lớn các DN hóa mỹ phẩm trong nước đã bị mất thị phần ngay trên “sân nhà” trước sự cạnh tranh gay gắt của khoảng mười DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, như Unilever Việt Nam, Kao, LG… Hiện chỉ còn một số DN trong nước có thương hiệu còn trụ lại trên thị trường như Daso Việt Nam, Mỹ phẩm Sài Gòn, Mỹ Hảo, Công ty cổ phần sản xuất hàng tiêu dùng quốc tế ICP… Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn, họ luôn hướng đến những sản phẩm, dịch vụ mới, tốt hơn, tiện lợi hơn… vì vậy, nếu DN không liên tục nghiên cứu đổi mới sản phẩm, dịch vụ thì khó có thể cạnh tranh được với các DN nước ngoài, những DN luôn có thế mạnh trong hoạt động R&D.
Tại nhiều nước trên thế giới, các DN luôn coi R&D là bộ phận không thể thiếu đối với DN. SAMSUNG, một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, mỗi ngày, có hơn một phần tư nhân viên SAMSUNG (khoảng 40 nghìn người) tham gia nghiên cứu và phát triển những thế hệ sản phẩm mới tốt hơn. Một chiến lược quan trọng giúp SAMSUNG đối đầu với môi trường kinh doanh đầy mạo hiểm và thương trường kinh doanh khốc liệt chính là sự chú trọng đầu tư vào R&D. Mỗi năm SAMSUNG đầu tư ít nhất 9% lợi nhuận từ bán hàng cho những hoạt động của viện nghiên cứu và phát triển. Hiện tập đoàn này có tới 42 viện nghiên cứu trên khắp thế giới cộng tác về công nghệ chiến lược cho tương lai và những công nghệ chính được thiết kế để định hướng cho những xu thế mới của thị trường. Trong khi đó, phần lớn các DN trong nước vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của R&D và chính từ nhận thức chưa đầy đủ này mà DN chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động R&D, hệ quả tất yếu là nhiều sản phẩm, dịch vụ trong nước đang bị hàng ngoại nhập lấn áp.
R&D quyết định khả năng cạnh tranh của DN
Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang Hồ Quỳnh Hưng, R&D chính là chìa khóa quyết định khả năng cạnh tranh thành công của DN. Sự phát triển bền vững của một DN phải gắn chặt với hoạt động R&D. R&D giống như việc bỏ tiền trước mà kết quả thu lại sau, nếu lãnh đạo DN không nhận thức đúng về R&D, không có quan điểm, định hướng đầu tư lâu dài, xuyên suốt cho hoạt động R&D thì DN khó có thể “sống sót” trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Khi bắt đầu ra thị trường, sản phẩm đèn com-pắc Điện Quang phải cạnh tranh mạnh mẽ với đèn com-pắc mang thương hiệu Philips. Đây là thương hiệu quốc tế nổi tiếng và đã được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng nên là thách thức lớn đối với DN. Song, qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thị trường trong nước, công ty phát hiện, một trong những đặc thù ở Việt Nam là điện áp hay thay đổi đột ngột, là nguyên nhân khiến các loại bóng đèn ngoại nhập khi sử dụng ở Việt Nam hay bị cháy. Vì vậy, bộ phận R&D của công ty với 11 kỹ sư có trình độ cao học trở lên đã tập trung nghiên cứu chế tạo để đèn com-pắc Điện Quang có thể khắc phục được nhược điểm này, đáp ứng tốt nhất người tiêu dùng trong nước, với chất lượng tương đương với đèn ngoại nhập nhưng giá cả lại cạnh tranh hơn và đặc biệt tuổi thọ cao hơn. Nhờ hoạt động R&D gắn chặt nhu cầu thị trường, không chỉ đèn com-pắc mà các sản phẩm khác của Điện Quang có thể cạnh tranh thành công với sản phẩm cùng loại và đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Hiện DN này có ba phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn Vilas, hằng năm đầu tư ít nhất từ 3% đến 5% doanh thu cho hoạt động R&D. Bình quân một năm, Điện Quang đưa ra thị trường mười sản phẩm mới và đến nay, đã có 20 nhóm hàng với 200 loại sản phẩm khác nhau. Ông Hồ Quỳnh Hưng cho biết, đội ngũ kỹ sư được đào tạo cơ bản về kỹ thuật chiếu sáng trong nước còn rất thiếu. Chính vì vậy, để thúc đẩy hoạt động R&D ở các DN, Nhà nước cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của DN.
Còn theo đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), một trong những tập đoàn vừa tiến sang lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các sản phẩm công nghệ mới, trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam mới tham gia, kinh nghiệm còn ít, thị trường nhỏ bé, cho nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách thuế, nhất là đối với các DN đưa ra sản phẩm cuối cùng là thiết bị công nghệ cao, mang nhiều tính chất phục vụ lợi ích xã hội. Như Viettel đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công máy điện thoại cố định không dây Homephone HP 6800; máy điện thoại chuyên dụng dành cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ SeaPhone 6810; thiết kế và sản xuất thử nghiệm thành công 100 mẫu thiết bị USB 3G Modem mang thương hiệu Viettel. Với các thiết bị công nghệ cao, các DN trong nước hiện mới chủ yếu gia công lắp ráp, chỉ khi làm chủ hoàn toàn công nghệ, thì các sản phẩm này mới có giá trị gia tăng cao, khả năng cạnh tranh lớn và điều này rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, trong đó có thể là xây dựng những phòng thí nghiệm lớn cho DN sử dụng.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Cao Sỹ Kiêm cho biết, việc Nhà nước đầu tư cho R&D của các DN hiện nay mới dừng lại ở một số chủ trương, còn việc triển khai thành các chính sách cụ thể vẫn còn chậm. Để khắc phục tình trạng này, cần phải cụ thể hóa các chủ trương đến các cấp, từ đó mới có định hướng giúp DN thực hiện. Việc tiến hành phải có lộ trình, phân công, phân cấp địa chỉ rõ ràng từ đó chính sách mới đi vào cuộc sống.
R&D là từ viết tắt của reseach & development – nghiên cứu và phát triển, một trong những “chìa khóa” thành công của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới. Nghiên cứu và phát triển bao gồm việc đầu tư, tiến hành mua bán các nghiên cứu, công nghệ mới phục vụ cho quá trình tồn tại và phát triển của DN. Công tác nghiên cứu và phát triển cũng nhằm khám phá những tri thức mới về các sản phẩm, quá trình, và dịch vụ, sau đó áp dụng những tri thức đó để tạo ra sản phẩm, quá trình và dịch vụ mới, có tính cải tiến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc của thị trường tốt hơn. |
Ý kiến ()