Thúc đẩy nền kinh tế tự do và rộng mở ở khu vực Đông Á
Diễn đàn Đông Á là cơ chế đối thoại kênh 1.5, được hình thành từ năm 2002, với sự tham dự của đại diện chính phủ, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Từ ngày 10-11/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Diễn đàn Đông Á (EAF) lần thứ 17 trong khuôn khổ ASEAN 3 tại Odawara, Nhật Bản.
Diễn đàn Đông Á là cơ chế đối thoại kênh 1.5, được hình thành từ năm 2002, với sự tham dự của đại diện chính phủ, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm trao đổi và đưa ra khuyến nghị chính sách trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN 3 để thúc đẩy hợp tác ở khu vực Đông Á.
Với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế tự do và rộng mở ở Đông Á,” các đại biểu tham dự EAF -17 đã tập trung trao đổi sâu rộng về ba nội dung chính: phát triển bền vững và sự tham gia của các đối tác ở Đông Á; Cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hướng tới xã hội 5.0 từ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Về phát triển bền vững, các nước rà soát lại những kết quả đã đạt được và cả những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc ở khu vực.
Trong khi Thái Lan và Việt Nam được ghi nhận có những bước tiến đáng kể, xếp thứ hạng cao ở khu vực trong thực hiện SDGs, một số nước phát triển hơn trong ASEAN lại ở vào tình trạng thụt lùi đáng tiếc.
Các nước cũng thừa nhận tăng trưởng kinh tế năng động ở Đông Á vừa là điều kiện thuận lợi để các nước có nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững, song cũng đặt ra những thách thức đối với môi trường, gây cạn kiệt các nguồn tài nguyên, tăng phác thải khí nhà kính, ô nhiễm bầu không khí và các đại dương…
Mặc dù nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững ở các quốc gia đều khá cao, nhưng những kết quả đạt được trên thực tế vẫn còn đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của cả khu vực.
Các nước nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa giải pháp đồng bộ và hành động thực chất, hiệu quả của các quốc gia, đầu tư thích đáng về nguồn lực, khuyến khích các thành phần phi nhà nước, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, cùng chia sẻ trách nhiệm chung này với chính phủ, nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức của người dân trong xã hội…
Về cải thiện môi trường kinh doanh ở khu vực, các nước nhấn mạnh trao đổi và chia sẻ bài học trong xây dựng các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, gỡ bõ hàng rào phi thuế, tăng cường hợp tác về thương mại điện tử, kinh tế số, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tham gia thị trường và chuỗi giá trị khu vực.
Các nước nhấn mạnh cần nỗ lực phấn đấu sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP trong năm 2019 để sớm tạo động lực, thúc đẩy tăng trưởng khu vực trước các thách thức gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, chống toàn cầu hóa và cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra gay gắt.
Hướng đến xã hội 5.0, các nước chia sẻ ý tưởng xây dựng xã hội “siêu thông minh” trên nền tảng các thành tựu đột phá của khoa học công nghệ trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như Internet vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ rô bốt, trí tuệ nhân tạo… để thúc đẩy lợi ích thiết thực cho xã hội và người dân trong các lĩnh vực cơ bản như chăm sóc y tế, cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, năng lượng và phòng chống thiên tai.
Tuy nhiên, việc triển khai ý tưởng này là thách thức không nhỏ do mặt bằng phát triển không đồng đều giữa các nước trong khu vực, hạn chế về nguồn lực và ý thức của người dân. Theo đó, các nước chia sẻ quan điểm cần thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện, lấy người dân làm trung tâm của mọi tiến trình phát triển, nhấn mạnh sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó vai trò của chính phủ là then chốt, cần tăng cường hợp tác khu vực, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ giữa các nước, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Phát biểu chính tại phiên 1 của Diễn đàn về Thúc đẩy phát triển bền vững và gắn kết sự tham gia của các Đối tác ở khu vực Đông Á, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng chỉ ra những điểm thuận và những khoảng trống trong hợp tác thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực Đông Á.
Một mặt ghi nhận những nỗ lực của các nước ASEAN 3 trong thực hiện các mục tiêu SDGs, hợp tác về giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs)…
Thứ trưởng cũng chỉ rõ điều kiện tiên quyết phải đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và các điều kiện sống cơ bản nhất cho người dân để họ tự nhận thức được tính cấp thiết của phát triển bền vững đối với chính cuộc sống của họ.
Thứ trưởng kêu gọi các nước ASEAN 3 và các đối tác tích cực phối hợp hành động, nhất là thúc đẩy các mô hình hợp tác mới, sáng tạo, tiếp tục triển khai hiệu quả các cam kết và chương trình hợp tác hiện có trong khuôn khổ ASEAN 3 về phát triển bền vững, đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong thực hiện SDGs, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển thành phố thông minh, ứng phó các vấn đề xã hội như già hóa dân số, bảo vệ môi trường biển…
Theo luân phiên, Diễn dàn Đông Á lần thứ 18 sẽ do Việt Nam và Trung Quốc đồng chủ trì trong năm 2020./.
Ý kiến ()