Thức dậy một vùng đồi
Xuân trên vùng cao phảng phất hương chè. Ở xã Nà Chì, những đồi chè được trồng theo hàng, theo lối, theo hướng đại điền, xanh ngắt suốt từ bản Nà Lạn qua bản Khâu Lầu, dọc đường lên Ðèo Gió của huyện Xín Mần (Hà Giang).
Không khí làm việc luôn sôi động tại xưởng chế biến chè ở tổ dân phố Nà Chì của gia đình đảng viên Phan Thanh Tuấn. Anh Tuấn quê tỉnh Tuyên Quang, từng nhiều năm làm ở Công ty Chè Hà Giang. Giao dịch xong với khách hàng, anh Tuấn cho biết, xưởng chế biến của gia đình hoạt động từ năm 2007, nay mở rộng quy mô sản xuất với năng lực chế biến 10 tấn/ngày. Ðược biết, cùng với 47 xưởng chế biến chè hiện có tại địa phương, xưởng của gia đình anh Tuấn không chỉ góp phần tích cực giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều gia đình trong xã, mà còn làm cho nơi đây trở thành vùng thu mua, chế biến chè sôi động ở tỉnh Hà Giang.
Nà Chì cách trung tâm huyện Xín Mần 40 km về phía nam, giao thông cách trở, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông, suối. Xã có 900 gia đình với hơn 4.100 người, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống mọi mặt còn nhiều khó khăn. Xác định nông, lâm nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu để xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, thời gian qua, cùng với việc tranh thủ các nguồn hỗ trợ của huyện và tỉnh, Nà Chì đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bí thư Ðảng ủy xã Nà Chì Hoàng Xuân Cưởi cho biết: Nà Chì hiện có hơn 570 ha chè, trong đó nhiều diện tích đang cho thu hoạch là chè shan tuyết chất lượng tốt. Trước đây, chè Nà Chì chỉ được trồng để phục vụ nhu cầu tự cung, tự cấp và bán một phần cho cơ sở chế biến. Ðể khai thác tiềm năng, thế mạnh này, xã có đề án, với quyết tâm đưa cây chè trở thành cây mũi nhọn, góp phần xóa nghèo bền vững, chống xói mòn rửa trôi, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Thực hiện đề án này, mỗi đồng chí trong Ban Chấp hành Ðảng bộ, cán bộ, công chức, bí thư chi bộ và các trưởng thôn, bản trong xã đã tiên phong đăng ký trồng mới theo lô, khoảnh từ 0,5 đến một ha cây chè trở lên. Các gia đình đảng viên, mỗi hộ dân trồng 0,3 ha.
Trò chuyện với Phó Chủ tịch HÐND xã Hoàng Văn Thơ, một trong bốn cán bộ, công chức xã có xưởng chế biến chè, chúng tôi biết thêm: Với các chủ hộ có đất nhưng thiếu nhân lực, thiếu vốn thì xã tạo điều kiện, giới thiệu liên kết với các doanh nghiệp, HTX hoặc cho thuê đất để phát triển diện tích cây chè. Ðội ngũ cán bộ khuyến nông các thôn bản sau khi được tập huấn đã tích cực tuyên truyền và hướng dẫn người dân cải tạo diện tích chè già cỗi năng suất thấp, trồng mở rộng diện tích chè đại điền, nắm vững kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc đốn, phòng trừ sâu bệnh, thu hái chè, v.v. Mặt khác, xã vận động, làm bà đỡ để các cơ sở chế biến chè đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô nhà xưởng, tìm kiếm bạn hàng, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là trong xây dựng quảng bá thương hiệu chè Nà Chì.
Nhận thức của người dân trong sản xuất, đầu tư phát triển cây chè theo hướng hàng hóa nâng lên chẳng những làm cho đời sống mọi mặt được cải thiện mà còn làm cho diện mạo Nà Chì “thay da, đổi thịt”. Xã hiện có bốn trường, từ bậc mầm non tới THPT (Trường tiểu học Nà Chì được công nhận chuẩn quốc gia), không có học sinh bỏ học. Chúng tôi đến nhà đảng viên cao tuổi Hoàng Thanh Luân ở thôn Nà Chì, khi ông và cháu Hoàng Văn Huy, 14 tuổi, là học sinh giỏi cấp huyện, đang say sưa trò chuyện về lịch sử cách mạng Việt Nam những năm 1930. Họ Hoàng ở Nà Chì có bảy người trình độ thạc sĩ đang công tác, là tấm gương, mục tiêu để nhiều người, nhiều gia đình, dòng họ thi đua. “Ðoàn kết, đổi mới, đột phá, xóa đói, giảm nghèo nhanh, phát triển bền vững chính là mục tiêu bao trùm đã và đang được mỗi cán bộ, đảng viên và người dân của Nà Chì dồn sức, đồng lòng thực hiện”, ông Luân khẳng định.
Theo nhandan
Ý kiến ()