Thúc đẩy mạnh mẽ hợp hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Australia
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia, ngày 30/11, tại Thủ đô Canberra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có các cuộc tiếp Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare; lãnh đạo Đảng Đối lập Peter Dutton và Thượng nghị sĩ Simon Birmingham.
Giờ học phương pháp giảng dạy môn Khoa học của sinh viên sư phạm, Đại học Deakin. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo Australia nhất trí đánh giá trong tổng thể chung quan hệ giữa hai nước, hợp tác giáo dục-đào tạo có vị trí rất quan trọng và ngày càng phát triển do nhu cầu đào tạo của Việt Nam và thế mạnh của Australia. Năm 2023 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng đối với quan hệ hai nước và rất mong có chuyến thăm tới Việt Nam để trao đổi về hợp tác giáo dục, nhất là giáo dục trung học và đại học, trao đổi sinh viên giữa hai nước…
Dịp này, Giáo sư Trần Thị Lý (Ly Tran) và Tiến sĩ Bùi Thị Như Huyền (Đại học Deakin, bang Victoria, Australia) có bài viết nghiên cứu chuyên sâu gửi riêng Báo Nhân Dân về những cơ hội hợp tác mới trong quan hệ hợp tác hai bên trong thời gian tới. Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài viết này:
Hợp tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác song phương giữa Australia và Việt Nam, quan hệ hợp tác giáo dục của hai nước cũng đạt được những thành tựu khích lệ.
Các mô hình hợp tác quốc tế giáo dục giữa Australia và Việt Nam rất đa dạng và phong phú, bao gồm: hợp tác giáo dục đào tạo hoặc hợp tác xây dựng và giảng dạy các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, các chương trình du học, trao đổi sinh viên và giáo viên, các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.
Đặc biệt số lượng học sinh Việt Nam du học Australia ngày càng tăng sau dịch Covid-19, đạt đến 23520 sinh viên vào tháng 8/2022. Các trường và đại diện các bang Australia liên tục sang và làm việc với đối tác Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du học, nghiên cứu và các chương trình liên kết.
Một trong những điểm nhấn của hợp tác giáo dục Australia và Việt Nam là chương trình Phát triển nguồn nhân lực-Aus4skills – thúc đẩy hợp tác giáo dục và hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực qua các hoạt động như: học bổng, kết nối cựu sinh viên, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực và hỗ trợ các nhà lãnh đạo tương lai.
Trong khuôn khổ chương trình Aus4Skills, nhóm nghiên cứu chúng tôi thực hiện dự án “Nhu cầu về mặt kỹ năng đối với nguồn nhân lực ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam”, thông qua hợp tác giữa các trường Đại học Deakin, Đại học New South Wales và Đại học Tây Bắc.
Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp thông tin cho việc phát triển kế hoạch chiến lược và điều chỉnh chương trình giảng dạy của các trường đại học miền núi phía bắc để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp xu thế phát triển của khu vực, đất nước và hội nhập.
Quyển sách giới thiệu kết quả dự án này vừa mới được Palgrave Macmillan, nhà xuất bản uy tín thế giới cho ra mắt độc giả trên toàn cầu ngày 20/11: “Employability in Context: Labour Market Needs, Skills Gaps and Graduate Employability Development in Regional Vietnam”.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực trong quốc tế hóa giáo dục. Từ một nước nhập khẩu giáo dục hoàn toàn, Việt Nam đã dần có những thành công trong xuất khẩu giáo dục ngắn hạn.
Giáo sư Ly Tran đang giảng bài cho sinh viên quốc tế người Việt Nam và Indonesia. |
Việt Nam – điểm đến của sinh viên Australia
Sự phát triển mạnh mẽ này không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến ở Australia, mà Việt Nam còn dần trở thành điểm đến phổ biến của sinh viên Australia trong các chương trình du học ngắn hạn và thực tập.
Trong chương trình Colombo mới (New Colombo Plan), Việt Nam hiện đang là điểm đến thứ tư của sinh viên Australia cho các khóa thực tập và học tập ngắn hạn.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Australia, từ 2014 đến 2018, số lượng sinh viên Australia sang học và thực tập ở Việt Nam, được tài trợ bởi Chính phủ Australia theo chương trình New Colombo Plan tăng hơn năm lần, đạt đến con số 3.612 vào cuối năm 2019.
Các chương trình du học ngắn hạn và thực tập của sinh viên Australia tại Việt Nam rất đa dạng về thời gian từ vài tuần cho đến một năm, trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: bảo vệ môi trường, y tế, sức khỏe và kỹ thuật. Đặc biệt, theo nghiên cứu của chúng tôi về trải nghiệm của sinh viên Australia qua chương trình New Colombo Plan, sinh viên và thực tập sinh Australia đánh giá rất cao về tiềm năng xuất khẩu giáo dục ngắn hạn và chất lượng chương trình thực tập trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Một thực tập sinh của Australia tại Việt Nam là Susan đã chia sẻ rằng, cô đã học được các tính năng kỹ thuật và công nghệ mới trong chuyên ngành của mình như: Arduino and Raspberry Pi, hay theo John, “SDN là công nghệ mới tôi học được từ chương trình thực tập ở Việt”. Mặc dù là nước đang phát triển, Việt Nam là một trong những thị trường công nghệ thông tin năng động nhất trên thế giới, đã trở thành trung tâm sản xuất phần mềm và phần cứng trong hoạt động thuê ngoài.
Những bước tiến và những thành tựu trên khó có thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ tích cực và những nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước.
Từ những chương trình học bổng truyền thống nhằm giúp Việt Nam nâng cao nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước như chương trình học bổng Australia Award, học bổng phát triển năng lực lãnh đạo Endeavour Executive Award đến những chương trình đào tạo kỹ năng và chuyên môn ngắn hạn như chương trình Aus4skill và những chính sách, dự án hỗ trợ đưa giáo dục Australia đến gần với Việt Nam hơn.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ hợp tác giáo dục của hai nước trong thời gian gần đây là việc thúc đẩy nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa và khuyến khích sinh viên Australia học tiếng Việt, tăng cường khả năng giao tiếp và ngoại ngữ của giới trẻ Australia.
Trong khuôn khổ chương trình thí điểm do chính phủ Úc phê duyệt hồi tháng 10 năm nay, Việt Nam là một trong ba nước, cùng với Ấn Độ và Indonesia, được chính phủ Australia chọn gửi sinh viên sang tham gia các khóa học để tăng cường khả năng tiếng Việt và vốn văn hóa Việt.
Giáo sư Ly Tran và sinh viên quốc tế ở Burwood campus, Đại học Deakin. |
Thương hiệu giáo dục quốc tế Việt Nam
James Fairley, cựu sinh viên của đại học Griffith, chia sẻ rằng, cơ hội học đại học và thực tập trong 12 tháng ở Việt Nam qua chương trình học bổng New Colombo Plan của chính phủ Australia là một trải nghiệm thanh xuân tươi đẹp và quý giá của James.
James không chỉ có cơ hội học tiếng nói, văn hóa, trải nghiệm cuộc sống năng động ở Việt Nam, mà còn tích lũy kiến thức chuyên môn vô cùng hữu ích cho công việc hiện tại, làm việc trong lĩnh vực giao thương và đầu tư giữa Việt Nam và Australia.
Sau khi hoàn thành khóa học ở Việt Nam, James vẫn tiếp tục theo học lớp tiếng Việt trực tuyến. Một thế hệ trẻ Australia như James, với bao nhiêu tâm huyết, cố gắng và tình yêu đối với tiếng Việt, văn hóa và đất nước Việt Nam là kết quả của nỗ lực hợp tác giáo dục giữa Australia và Việt Nam.
Để nắm bắt cơ hội phát triển và phát huy những tiềm năng này, Việt Nam cần phải có một chiến lược và kế hoạch thực hiện bao gồm việc thành lập tổ chức đại diện cho các trường đại học ở Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh trên trường quốc tế, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong quốc tế hóa giáo dục cũng như hợp tác chặt chẽ giữa các trường.
Cùng nhau xây dựng ngành và thương hiệu giáo dục quốc tế Việt Nam, đặc biệt tập trung định vị thương hiệu trong các lĩnh vực sau:
Thứ nhất, trở thành một trung tâm trong khu vực chuyên cung cấp các khóa học ngắn hạn, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn ở các ngành trọng điểm trong khu vực, các chương trình trao đổi sinh viên theo học kỳ, các khóa du học ngắn hạn kết hợp trải nghiệm văn hóa và thực tập, cả trực tiếp và trực tuyến. Ngoài ra, Việt Nam có thể phát huy cung cấp các chương trình giảng dạy ngôn ngữ cho sinh viên quốc tế.
Thứ hai, ngoài các chương trình liên kết cấp bằng truyền thống ở bậc đại học và sau đại học, Việt Nam có thể hợp tác với các trường đại học Australia xây dựng các chương trình đào đạo kỹ năng ở các ngành trọng điểm, đặc biệt là các chứng chỉ vi mô. Tận dụng các cơ hội hợp tác quốc tế và công nghệ chuyển đổi số để đưa ra nhiều hình thức học tập khác nhau bao gồm cả kết hợp và học trực tuyến.
Thứ ba, cập nhật xu hướng trên thế giới về phát huy thế mạnh của kết hợp hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và quan hệ song phương, đa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Điển hình là chương trình Đào tạo kỹ năng quốc tế của Australia (International Skills Training) xem Việt Nam là một trong 7 nước (cùng với Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Colombia, Brazil, Mexico và Hàn Quốc) mà Australia ưu tiên hợp tác đào tạo kỹ năng cần thiết, và nâng cao chuyên môn (upskilling and reskilling) cho các ngành trọng điểm.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác Việt Nam-Australia trong việc dựng mạng lưới cựu sinh viên ở cả hai nước.
Thứ năm, về mặt chính sách, các quy định về hợp tác xây dựng chương trình liên kết hay quốc tế cũng cần linh hoạt hơn về vốn đầu tư, mô hình liên kết và kiểm định chất lượng trong bối cảnh đan xen giữa trực tuyến và quốc tế hóa giáo dục, kết hợp trực tuyến và trực tiếp trong dạy học như hiện nay.
Thứ sáu, ngành giáo dục cần có sự kết hợp chặt chẽ với các ngành khác như: du lịch, văn hóa, ngoại giao để xây dựng hình ảnh và thương hiệu Việt Nam trở thành một điểm đến ưa thích cho sinh viên Australia.
Việt Nam cũng cần học tập kinh nghiệm của các nước trên thế gới với các chiến lược sử dụng hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục làm công cụ để tăng cường quan hệ ngoại giao góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương, đa phương giữa Việt Nam và các nước trên thế giới thông qua giáo dục.
Để tạo ra một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo, đặc biệt là hợp tác giáo dục Australia và Việt Nam, đầu tháng 12 này, Đại học Deakin kết hợp Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Tạp chí Giáo dục và tổ chức STAR Scholars, sẽ tổ chức hội thảo “Quốc tế hóa giáo dục đại học trong bối cảnh một châu Á năng động”.
GS Trần Thị Lý (Đại học Deakin, Australia), là nhà khoa học có tiếng với nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật và giảng dạy. Năm 2019, từng được tạp chí Forbes Việt Nam công bố là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Là một trong hai nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Noam Chomsky – Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu năm 2020. Giành được hơn 30 giải thưởng và học bổng nghiên cứu từ các hiệp hội quốc tế, quốc gia cho thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập.
Là nhà khoa học duy nhất của Australia trong lĩnh vực giáo dục từng được trao giải thưởng uy tín Nhà khoa học tiềm năng của Ban hỗ trợ nghiên cứu khoa học Australia năm 2017…
Ý kiến ()