Thúc đẩy kinh tế vùng khó khăn
LSO - Những năm qua, đời sống của người dân ở các vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh đã không ngừng cải thiện, nâng cao. Nhiều hộ dân đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Chương trình cho vay vốn hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg.
Người dân xã Hồng Phong, huyện Bình Gia phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn vay
Mô hình chăn nuôi của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn Lạng Nắc, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng hiện nay có một đàn lợn gần hai chục con gồm cả lợn thịt, lợn nái, đàn bò có 7 con, trong đó có 3 bò mẹ. Từ chăn nuôi, gia đình chị có thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm. Chị chia sẻ: Năm 2012, gia đình mới đầu tư nuôi một cặp bò sinh sản, còn chăn nuôi lợn, gia đình đã phát triển từ nhiều năm. Song, cả nuôi lợn, nuôi bò thì vốn đầu tư ban đầu đều phải vay ngân hàng. Trong đó, vay chương trình vốn hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách Xã hội 30 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, gia đình đã yên tâm đầu tư chăn nuôi, vươn lên có thu nhập khá giả, không còn khó khăn, thiếu thốn như trước đây…
Với gia đình chị Nông Thị Xuyên, phố Văn Mịch, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia cũng vậy. Không có đất đai sản xuất, nhà chỉ trông chờ vào chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, không có nhiều vốn để xoay sở, quay vòng nên gia đình chỉ nuôi được 5- 7 con. Thông qua Hội phụ nữ xã, gia đình đã được tuyên truyền, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn vay, anh chị mạnh dạn đầu tư xây thêm chuồng trại, mua thức ăn dự trữ và dần tăng đàn. Đến 2- 3 năm nay, đàn lợn của gia đình duy trì 40 con, với 2 con nái… kinh tế gia đình giờ khấm khá, ổn định hơn.
Không chỉ hai hộ gia đình kể trên, khắp các vùng quê, có hàng nghìn hộ dân đã vươn lên tăng gia sản xuất, đời sống ngày thêm ấm no hơn nhờ có chương trình vốn cho vay hộ sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, tổng số vốn đang đầu tư trên 563 tỷ đồng, với gần 22.150 hộ dân đang sử dụng vốn, trong đó doanh số giải ngân mới năm 2015 là hơn 140 tỷ đồng. Chương trình này có mức cho vay tối đa là 30 triệu đồng/hộ, lãi suất 9%/năm (giảm 0,6%/năm so với năm trước). Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Chương trình cho vay vốn hộ sản xuất, kinh doanh được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2007 theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg nhằm giúp vốn cho các hộ gia đình tại những vùng khó khăn phát triển kinh tế. Từ khi triển khai đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn tuyên truyền, thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch giao hằng năm, kịp thời đưa vốn đến người dân. Đối với nguồn vốn sau thu nợ, Chi nhánh giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn, không để tồn vốn. Hiện nay, chương trình có số dư nợ lớn thứ hai trong tổng số 12 chương trình vốn chính sách đang thực hiện (sau chương trình vốn hộ nghèo). Qua kiểm tra hằng năm, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, chăn nuôi, trồng rừng, đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất… có hiệu quả.
Nhiều năm qua, chương trình vốn thực sự là động lực giúp các hộ dân vùng khó khăn vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Để nguồn vốn này tiếp tục phát huy hiệu quả, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục phối hợp tuyên truyền, giải ngân kịp thời vốn, nhất là nguồn vốn sau thu hồi nợ. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, ngày càng góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Bài, ảnh: Lâm Như
Ý kiến ()