Thúc đẩy kinh tế nông thôn
LSO-Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 6 chính sách phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các chính sách này đã thực sự phù hợp với nhu cầu thực tiễn, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.
Thú y viên phun khử trùng chuồng trại cho hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Tân Liên, huyện Cao Lộc |
Với điều kiện đất đai thuận lợi, gia đình ông Lương Văn Thắng, thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng quyết định chọn chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế chủ lực của gia đình. Tuy ý tưởng đã có nhưng thời gian đầu, gia đình ông gặp nhiều khó khăn, bởi thiếu vốn nên quy mô chăn nuôi rất nhỏ lẻ.
Năm 2013, gia đình ông Thắng tìm hiểu chính sách hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò và cải tạo đàn bò trên địa bàn do UBND tỉnh ban hành từ năm 2010, với sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn, ông Thắng nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn.
Ông tâm sự: Dự án vay vốn của tôi nhanh chóng được thẩm định, phê duyệt với số tiền cho vay 200 triệu đồng. Có vốn, gia đình huy động mọi nguồn lực đầu tư chuồng trại, trồng thêm 3 sào cỏ voi và mua 10 con bò sinh sản. Sau gần 3 năm đầu tư, đàn bò của gia đình đã tăng lên gấp đôi, giá trị tổng đàn cũng xấp xỉ gấp 2 lần so với đầu tư ban đầu.
Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Chính sách hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò và cải tạo đàn bò đã tạo động lực rất lớn cho nhân dân trên địa bàn huyện phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ năm 2010 đến nay, huyện Chi Lăng có khoảng hơn 2 nghìn hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này với tổng vay trên 120 tỷ đồng; số trâu, bò mua được xấp xỉ 3,7 nghìn con. Đây là huyện có số dự án được duyệt bằng tới 90% số dự án duyệt vay theo chính sách này trong toàn tỉnh.
Cũng như chính sách phát triển đàn trâu, bò, chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2015 đã thực sự là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong gần 8 năm triển khai, đã có 2.659 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi, 2.659 dự án được duyệt vay với tổng số tiền hơn 103 tỷ đồng, diện tích rừng trồng từ nguồn vốn vay lên tới trên 11,2 nghìn héc ta.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục Phát triển Lâm nghiệp khẳng định: Không chỉ thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp mà chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội hóa nghề rừng. Tỷ lệ xã hội hóa trồng rừng trong vòng 2 năm gần đây đã tăng lên khoảng hơn 30%.
Ngoài 2 chính sách trên, trong giai đoạn 2008-2015, UBND tỉnh còn ban hành 4 chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp là chính sách khuyến nông viên; thú y viên; hỗ trợ rủi ro trong tiêm phòng gia súc và chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy chế biến, bảo quản nông, lâm sản sau thu hoạch.
Trong số các chính sách này, chỉ có chính sách mua máy chế biến, bảo quản nông, lâm sản sau thu hoạch là không phát huy tác dụng, bởi ngay sau khi tỉnh ban hành, Trung ương đã có chính sách tương tự với mức ưu đãi lớn hơn và phạm vi máy móc, thiết bị được mở rộng hơn. Những chính sách còn lại thực sự phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả cao, trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 6.000 hộ gia đình được thụ hưởng ưu đãi từ các chính sách phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp do UBND tỉnh ban hành với số vốn vay lên đến gần 244 tỷ đồng. Các chính sách đã giúp rất nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay, ngành đang phối hợp cùng ngành hữu quan khác tham mưu cho UBND tỉnh tổng kết, đánh giá các chính sách phục vụ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những chính sách đã và đang phát huy hiệu quả sẽ tham mưu tiếp tục triển khai với những sửa đổi cho phù hợp với điều kiện hiện nay, đồng thời ngành cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành thêm một số chính sách mới liên quan đến hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ… Từ đó thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển nhanh và bền vững, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()