Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Singapore trong một số lĩnh vực cụ thể
Theo tiến sỹ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tạo nền tảng để giúp thúc đẩy hợp tác song phương trong một số lĩnh vực cụ thể.
Diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore từ ngày 24-26/2 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho thấy tầm quan trọng của quan hệ song phương trong chính sách đối ngoại của hai nước.
Đây là nhận định của tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện ISEAS-Yusof Ishak, khi ông trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore về tầm quan trọng của chuyến thăm, sự phát triển của quan hệ song phương và những ưu tiên của Singapore trong quan hệ với Việt Nam.
Theo tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, lãnh đạo Việt Nam mới đi thăm 3 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó thăm song phương Campuchia và Lào – hai nước đối tác đặc biệt và thăm Indonesia trong chuyến tham dự hội nghị ASEAN về Myanmar.
Như vậy, Singapore là quốc gia thứ 3 trong ASEAN mà lãnh đạo Việt Nam đã tiến hành thăm song phương. Điều đó chứng tỏ Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Singapore.
Bản thân chuyến thăm cũng cho thấy Singapore rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, vì trong suốt thời gian qua, Singapore tiếp đón rất ít lãnh đạo nước ngoài.
Trong năm 2022 này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên thăm song phương Singapore. Chuyến thăm sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore càng đi vào chiều sâu.
Chuyến thăm cũng có thể tạo nền tảng để giúp thúc đẩy hợp tác song phương trong một số lĩnh vực cụ thể như du lịch, phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19, hợp tác phát triển kinh tế số, đảm bảo an ninh mạng, hay hợp tác quốc phòng.
Về sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định trong hơn 8 năm qua kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ song phương đã phát triển ngày càng sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Cùng với thương mại, đầu tư tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Năm qua, trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Singapore hiện cũng nằm trong top 3 những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam xét về tổng số vốn đăng ký từ trước tới nay. Nguồn vốn từ Singapore có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng hay phát triển hạ tầng khu công nghiệp, với điển hình là thành công của các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore.
Trong lĩnh vực hợp tác chiến lược, Việt Nam và Singapore có nhiều điểm chung về lợi ích an ninh và nhận thức chiến lược.
Quan điểm của hai nước về nhiều vấn đề an ninh khu vực và trật tự quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, có nhiều điểm tương đồng. Đây là nền tảng quan trọng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực chiến lược, an ninh quốc phòng trong tương lai.
Trong thời gian tới, nhiều khả năng Singapore sẽ tiếp tục ưu tiên các lĩnh vực nêu trên trong quan hệ song phương, đặc biệt là khía cạnh đầu tư vào Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một thị trường trọng điểm của các nhà đầu tư Singapore, cũng như các nhà đầu tư quốc tế có chi nhánh, trụ sở khu vực ở đây.
Ngoài ra, quan hệ chiến lược, an ninh quốc phòng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ, thực chất hơn trong thời gian tới. Các khía cạnh như hợp tác du lịch hay giáo dục, vốn là các điểm sáng khác của quan hệ song phương thời gian trước đại dịch COVID-19, cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong giai đoạn hậu đại dịch.
Về kết quả chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhận định với việc Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho các chuyến bay thương mại quốc tế, đồng thời Singapore cũng đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát đi lại để mở cửa nền kinh tế với bên ngoài, nhiều khả năng lãnh đạo hai nước sẽ có những thảo luận hướng tới việc nối lại các hoạt động đi lại bình thường nhất, thuận lợi nhất có thể.
Ông hy vọng sẽ có một thỏa thuận hay tuyên bố được đưa ra trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc như cơ chế đi lại dựa trên hộ chiếu vaccine cho công dân hai nước trong thời gian tới.
Điều này sẽ giúp hai nước phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch và giáo dục.
Ngoài ra, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cũng bày tỏ hy vọng hai bên có thể có thêm những thỏa thuận khác nhằm phát triển hơn nữa một cách thực chất trong quan hệ song phương như các lĩnh vực kinh tế số, an ninh mạng hay quốc phòng. Đây đều là những lĩnh vực quan trọng đối với lợi ích quốc gia của hai bên trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới./.
Ý kiến ()