Thúc đẩy hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia
Ngày 10-5, tại thủ đô Phnom Penh, Đoàn công tác của Bộ Công thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu liên ngành và một số địa phương Campuchia do Bộ trưởng Thương mại Pan Sorasak dẫn đầu.
Hai bên cùng nhau đánh giá và tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc xây dựng chợ Đa – chợ biên giới kiểu mẫu đầu tiên giữa hai nước để bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2018; qua đó tiến tới đề xuất kế hoạch xây dựng tiếp các chợ biên giới, góp phần phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia.
Hai bên cũng thảo luận một số vấn đề liên quan đến “Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới giai đoạn 2018 – 2019”, dự kiến được tổ chức tại Campuchia trong năm 2018 và “Đề án phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Về việc xây dựng chợ Đa, hai bên thống nhất đánh giá, về cơ bản vẫn bảo đảm đúng tiến độ; đơn vị thi công và các bộ phận chức năng của hai bên đã phối hợp tốt trong quá trình thực hiện dự án. Đối với các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc thuộc về phía Campuchia, Bộ Thương mại Campuchia ghi nhận và sẽ tích cực tìm cách tháo gỡ; đồng thời đề nghị hai bên cùng cử nhóm công tác kỹ thuật nghiên cứu, đưa ra báo cáo chi tiết, cụ thể để phía Campuchia có hướng tháo gỡ; thống nhất định kỳ mỗi tháng một lần hai bên cùng kiểm tra thực tế tiến độ thi côn, một mặt đẩy nhanh tiến độ công trình, mặt khác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các vấn đề có liên quan cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
Về đề xuất xây dựng tiếp các chợ biên giới giữa hai nước, hai bên thống nhất đánh giá, việc hoàn thành sớm và sớm đưa chợ Đa vào sử dụng có hiệu quả sẽ là cơ sở quan trọng để hai Bộ đề xuất xây dựng và phát triển các chợ biên giới tiếp theo. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp đưa nội dung xây dựng các chợ biên giới tiếp theo vào nội dung kiến nghị chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ, nhất là cùng kiến nghị tại Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Campuchia dự kiến được tổ chức vào ngày 16-5 tới.
Đối với “Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2018 – 2019”, hai bên nhận thấy sẽ không kịp tổ chức cùng dịp Kỳ họp lần thứ 16 Ủy Ban hỗn hợp Việt Nam – Campuchia, vì kỳ họp này dự kiến được tổ chức vào tuần sau. Do vậy, Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia sẽ có công hàm chính thức với phía Việt Nam về thời gian, địa điểm tổ chức Hội nghị cũng như vấn đề kinh phí có liên quan.
Về “Đề án phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” do Bộ Công thương Việt Nam dự thảo, Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak cho biết, sẽ báo cáo Chính phủ tổ chức họp liên ngành nghiên cứu, bổ sung và trao đổi với phía Việt Nam để hai bên sớm hoàn thiện dự thảo và ký kết thông qua.
Theo chương trình, trong hai ngày 10 và 11-5, Đoàn công tác của Bộ Công thương sẽ đi thực địa và làm việc với các đơn vị xây dựng chợ Đa và các cơ quan chức năng của hai bên để kiểm tra tiến độ xây dựng.
Chợ Đa tọa lạc tại xã Đa (huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum Campuchia), giáp cửa khẩu Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Khu chợ được xây dựng trên diện tích gần 20.000 m 2, được triển khai bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam, trị giá khoảng hai triệu USD.
Dự án nằm trong chủ trương chung của Chính phủ hai nước nhằm thúc đẩy, tăng cường giao lưu kinh tế, thương mại, nâng cao đời sống của cư dân biên giới hai nước. Cho đến nay, khu chợ đã được san nền, thi công xong phần móng nhà chợ chính, nhà Ban điều hành và một số công trình phụ trợ.
Với vị trí địa lý thuận lợi, chợ Đa khi xây dựng xong được kỳ vọng sẽ là nơi mua bán, trao đổi và trung chuyển hàng hóa sản xuất từ các tỉnh Kratie, Kampong Cham, Rattanakiri, Mondolkiri của Campuchia cung cấp cho các tỉnh của Việt Nam; và ngược lại cũng là nơi mua bán, trao đổi và trung chuyển hàng hóa sản xuất từ Việt Nam cung cấp cho các tỉnh của Campuchia..
Tại buổi làm việc, hai bên thống nhất đánh giá, quan hệ thương mại song phương nói chung và quan hệ biên mậu giữa hai nước nói riêng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nước, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống, gắn bó khăng khít giữa hai nước. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong năm 2017 đạt 3,8 tỷ USD, tăng 25% so năm 2016.
Hai bên đều thể hiện quyết tâm sẽ thúc đẩy hoạt động buôn bán tại biên giới hai nước, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương 5 tỷ USD trong thời gian tới.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()